Việc chuyển giao quyền lực trong an ninh của ông Trump vẫn trục trặc

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm tuyên thệ nhậm chức, quá trình chuyển giao quyền lực trong vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vẫn gặp trục trặc.

Giới truyền thông cho biết, quá trình chuyển giao quyền lực trong vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp trục trặc hơn nhiều so với các cuộc chuyển giao trước đây. Theo đó, nguyên nhân là do những điểm không chắc chắn xung quanh chính sách của ông Trump và sự gia tăng quyền lực gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Đức và Anh. Bên cạnh đó, là sự lớn mạnh của Trung Quốc, Nga tỏ ra tích cực, chủ nghĩa khủng bố lan rộng hơn. Tình hình bất ổn tại Trung Đông và diễn biến khó đoán trong thử nhiệm vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Stephanie O'Sullivan sẽ ra đi khi ông Trump làm Tổng thống.

Những quan điểm trên được hai chuyên gia Mark Lagon và Ross Harrison của Đại học Georgetown (Mỹ) viết trên tạp chí Foreign Policy. “Tuy nhiên điều đặc biệt đáng ngờ ở đây là liệu rằng sự xáo trộn của ông Trump có mang lại lợi ích và hiệu quả chiến lược cho các lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, hai chuyên gia đặt nghi ngờ.

Ngay trước thềm buổi tuyên thệ nhậm chức, nhóm của ông Trump cho biết, họ đã yêu cầu hơn 50 trong số các vị chức sắc làm việc dưới quyền tổng thống Obama ở lại. Tuy nhiên, ít nhất 3 quan chức, trong đó có một quan chức tình báo cao cấp và hai nhà ngoại giao, đã quyết định sẽ rời cương vị.

Các quan chức đó là Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Stephanie O'Sullivan, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Cathy Novelli, và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu Toria Nuland. 3 nhân vật này đã nói với đồng nghiệp là sẽ ra đi khi ông Trump làm Tổng thống.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Tình báo Quốc gia không bình luận về thông tin này. Đội chuyển tiếp quyền lực của ông Trump cũng không bình luận. Hiện, chưa rõ những điều trên có lan rộng sang các cơ quan khác của chính phủ không. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp khác của cơ quan an ninh quốc gia cũng cho rằng quá trình chuyển giao của ông Trump chậm hơn so với quá trình chuyển giao quyền lực từ ông Bill Clinton sang ông George W. Bush năm 2001, hay từ ông Bush sang ông Barack Obama năm 2009.

Trước động thái trên, Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence cho biết, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã hoàn thành công việc trước kế hoạch và chi tiêu ít hơn mức ngân sách dự kiến. “Công việc của chúng tôi đã sẵn sàng, người dân Mỹ có thể tin tưởng chúng tôi sẽ làm được”, ông Pence nói.

Người phát ngôn Sean Spicer của Tổng thống đắc cử Trump cũng khẳng định với giới truyền thông, quan hệ giữa các nhân viên thuộc Hội đồng an ninh Quốc gia của chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền kế nhiệm đã “rất tuyệt vời”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần