Việc không của riêng ai

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn thực phẩm đang là câu chuyện “nóng” từ xã hội vào đến các cuộc họp, các hội nghị và nghị trường.

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về vấn đề này hôm 4/11, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, để mong muốn cùng tìm giải pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm những bất cập, để có thể trả lời câu hỏi, liệu có xây dựng Hà Nội là Thủ đô về ẩm thực hay không.
Có thể nói rằng, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này, sau khi Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị 10, các quy hoạch, kế hoạch, đề án đã được TP ban hành, triển khai, trong đó đặc biệt nhất là văn bản liên quan quản lý rau sạch, giết mổ tập trung, chuỗi rau an toàn thực phẩm, kiểm soát thức ăn đường phố… HĐND TP cũng từng đưa ra chất vấn, qua đó, công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực với sự vào cuộc của các cấp, các ngành.
 Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra ATVSTP tại siêu thị Vinmart. Ảnh
Các cơ sở chế biến sản xuất nước, lương thực thực phẩm tươi sống được siết chặt, quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; kỹ năng kiểm tra của các cán bộ phường được nâng cao. Hàng loạt cửa hàng, tuyến phố điểm về “đảm bảo ATTP” được nhân rộng; các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn ra đời… Đồng thời, cơ chế xử phạt các cơ sở có vi phạm cũng hoàn thiện hơn.
Nhưng nhìn vào thực tế, dù TP có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.700 cửa hàng tiện ích, trong đó có 807 cửa hàng gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây, nếu chiểu theo quy định, tất cả các đơn vị này hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, có giấy chứng nhận… để người mua có thể yên tâm về ATTP.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là tình trạng hoạt động bán hàng rong tồn tại trên vỉa hè lại rất khó kiểm soát về ATTP. Rồi chợ cóc, chợ tạm, rau củ quả có ngâm hóa chất… vẫn là nỗi lo không dứt với mỗi người dân và cơ quan chức năng.
Hơn thế nữa, vấn đề về xử lý nghiêm khắc để làm gương với những trường hợp vi phạm cũng là vấn đề được lưu tâm. Những ngày qua, dư luận đang “nóng” trước thông tin lần đầu tiên một cơ quan tố tụng đã truy tố, xét xử hành vi "vi phạm quy định ATTP" với chủ cơ sở chế biến nông sản nhúng củ cải vào hóa chất.
Câu chuyện dường như không chỉ dừng ở nhiều tấn củ cải bị ngâm hóa chất được ngăn chặn trước khi đến bàn ăn, mà vấn đề quan trọng hơn được nói đến chính là những giải pháp quyết liệt này có lẽ cũng cần tính đến nhiều hơn, để tạo sức răn đe.
Bởi thực tế, dù hành vi vi phạm quy định vệ sinh ATTP như dùng hóa chất kiểu này có thể không gây chết người ngay, nhưng nó là nguyên nhân dẫn đến những cái chết mòn cũng đáng sợ không kém.
Với 10 triệu người dân hàng ngày sử dụng thực phẩm trên địa bàn, với thói quen dựng xe xuống là mua ngay được thực phẩm, để quản lý ATTP thực sự không dễ dàng. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và người dân, mỗi người dân phải tự ý thức về sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn hơn nữa, tránh vô tình "tiếp tay" cho vi phạm.