Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhóm cô và trò trường THCS Việt Hùng (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) đã sáng tạo ra những chiếc túi nhỏ xinh, thân thiện, tiện dụng từ chính những vật liệu bỏ đi. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác, đổ rác đúng nơi quy định cho người dân địa phương.

 Cô giáo Phạm Thị Tuấn cùng các em học sinh làm những chiếc túi thân thiện từ rác thải.
Sản phẩm từ sự trân trọng môi trường sống
Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Tuấn (trường THCS Việt Hùng), đại diện nhóm tác giả cho biết: Việc vứt rác bừa bãi luôn là mối quan tâm, lo lắng của những người biết yêu quý, trân trọng môi trường sống. Xuất phát từ những trăn trở đó, cô và trò nhà trường đã nung nấu ý tưởng thiết kế túi thân thiện từ thực tế cuộc sống hàng ngày. Bằng việc dùng vỏ bao tải, vải cũ… đã qua sử dụng, cô và trò đã sáng tạo thành túi đi chợ, đi chơi, đi học… với mục đích chính là giáo dục học sinh bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn giúp chị em phụ nữ và các cô giáo, học sinh nói không với túi nilon, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa góp phần giải quyết vấn đề rác thải quá nhiều trong môi trường hiện nay.

Theo cô giáo Phạm Thị Tuấn, để làm ra những chiếc túi thân thiện môi trường, cô đã hướng dẫn học sinh dùng vỏ bao tải bỏ đi đem giặt sạch, cắt thành hình túi. Sau đó vẽ phác họa hình ảnh, lấy vải vụn trang trí rồi khâu hoặc máy… thành những chiếc túi thân thiện nhiều kiểu dáng. “Một vỏ bao cám thì thường làm được từ 1 - 2 túi, có thể sử dụng vào việc đi chợ, đi chơi, đi học. Chiếc túi nào mềm, mỏng thì may, cái nào dày, cứng phải khâu tay. Túi được trang trí thêm bằng cách vẽ, khâu tạo kiểu, đính hoa, hạt cườm… Sản phẩm có thể giặt thoải mái mà không bị hỏng” - cô Tuấn chia sẻ.

Túi thân thiện phát huy tính sáng tạo

Có thể thấy, điểm mạnh của sản phẩm túi thân thiện là phát huy tính sáng tạo trong học sinh, nhất là những ý tưởng độc đáo, mới lạ, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời góp phần hưởng ứng phong trào "Phụ nữ sáng tạo tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Không chỉ tự tay làm ra những chiếc túi thân thiện, học sinh sau khi được cô giáo phổ biến kiến thức về môi trường, cũng tự giác tuyên truyền tới người thân và bạn bè về việc làm có ích này, đặc biệt, phụ huynh rất ủng hộ cách làm của cô và trò. Thích thú khi tự tay làm ra các sản phẩm được tái chế từ những bao tải đựng cám, đựng gạo bỏ đi, Phạm Thị Thu Trang (học sinh trường THCS Việt Hùng) phấn khởi: “Em thấy rất vui vì mình làm được các sản phẩm có ích. Sản phẩm túi của chúng em được may máy, nên rất chắc chắn, còn phần trang trí đa phần phải khâu tay. Bạn bè em ai cũng trầm trồ khi thấy em sử dụng chiếc túi từ bao tải bỏ đi, lại do chính tay mình làm ra”.

Trong khi đó, chị Đặng Thị Trọng (thôn Gia Lương, xã Việt Hùng), phụ huynh học sinh Đặng Kim Ngân (lớp 9A, trường THCS Việt Hùng) vui mừng nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi con tự tay làm sản phẩm túi thân thiện rất đẹp và hữu ích. Việc dùng túi thân thiện sẽ hạn chế việc sử dụng túi nilon; từ đó sẽ giảm đáng kể rác thải từ loại chất liệu khó phân hủy. Tôi mong nhà trường sẽ có nhiều buổi học ngoại khóa có ích như vậy để phát huy tính sáng tạo của các con”.

Sản phẩm tái chế túi thân thiện là một việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn góp phần bảo vệ môi trường. Nhóm cô và trò trường THCS Việt Hùng mong muốn được chia sẻ việc làm này cho các cô giáo ở các trường trong huyện và địa phương khác, để cùng nhau cải thiện tình trạng rác thải và góp phần giáo dục ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống. Đây là một trong 22 sản phẩm được T.Ư Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao tại Ngày Phụ nữ Sáng tạo 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần