Việc tu sửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám là cần thiết

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, dư luận không ngừng tranh luận trước màu vôi trắng xám khiến toàn bộ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phủ lên một sắc thái mới, thay sự trầm mặc, rêu phong vốn có.

Người đồng tình có, người phản đối một cách cay nghiệt cũng không ít. Các cơ quan chức năng bắt đầu có ý kiến vào cuộc.
Chiều lòng thị hiếu hay bảo vệ di sản?
“Tư duy của người Việt, di tích là phải rêu phong. Nên khi Văn Miếu khoác lên màu sáng mới gặp phải phản ứng là đương nhiên” – KTS Lại Thành Tín – người từng được Hội đồng Anh ghi nhận trao giải Nhất cuộc thi Đánh thức không gian với tên gọi “Cầu Long Biên – Ngày và đêm” cho biết. Lại Thành Tín chia sẻ với cảm xúc này của người dân, bởi vì trong lịch sử bảo tồn của Việt Nam quá nhiều di tích, di sản bị bàn tay của các nhà làm bảo tồn phá. KTS này nhắc đến việc bê tông hóa thành cổ Sơn Tây như một bài học. “Người dân giống như một con nhím, chỉ cần có chút thông tin đang bảo tồn sai lệch là họ sẵn sàng xù lên để phản ứng” – KTS Lại Thành Tín bày tỏ.

Màu vôi mới tu sửa vênh với màu rêu phong của các công trình còn lại. Ảnh: Linh Anh

GS Lê Văn Lan cũng đồng tình quan điểm: “Nhìn về di tích là phải rêu phong giống như một thị hiếu của người Việt. Với người Việt, di tích là cũ kỹ, nâu sồng, mộc mạc”. Thế nhưng, với kinh nghiệm nghiên cứu bảo tồn di sản ở Nhật Bản, Hàn Quốc, GS Lê Văn Lan thừa nhận ở họ di tích từ 500 – 1.000 năm tuổi đều được bảo tồn, phát huy tôn tạo, thậm chí sơn mới nguy nga tráng lệ. Và người dân vẫn thích. Còn ở Việt Nam, cơ quan thực hiện tu bổ Ô Quan Chưởng (Hà Nội), thành nhà Mạc (Tuyên Quang)… cũng bị công chúng ném “gạch đá” vì cho rằng làm mới hoặc biến thành nhà Mạc thành cái lò gạch mới. Nhưng qua vài năm đã chứng minh phản ứng của công chúng là sai. “Thời nay chưa bao giờ có ai đặt câu hỏi khi di tích mới xuất hiện nó có lộng lẫy, sặc sỡ sắc màu không?” - GS Lê Văn Lan nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, việc duy tu Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đúng, để tránh sự xuống cấp, phá hỏng di sản. Đặc biệt, đơn vị thi công dùng chất liệu than bùn cộng vôi truyền thống để giảm nấm mốc là đang được sử dụng khá phổ biến trong công tác duy tu ở các di sản. Thế nhưng, cách thức bảo tồn của Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như đơn vị thi công được đánh giá là chưa thật sự hoàn thiện. “Trước khi thực hiện, họ cần có sự thông báo rộng rãi với người dân để tránh tâm lý “sốc” vì thay đổi. Hơn nữa, cần chọn hạng mục bị rêu phong tu sửa, không nên làm tổng thể khiến di tích bị thay đổi màu sắc, sắc thái như hiện nay” – KTS Lại Thành Tín nêu ý kiến.
Quét vôi không cần báo cáo Bộ
Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng khẳng định với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, việc duy tu lần này được thực hiện đúng quy trình. Đó là Trung tâm đã báo cáo lên Sở VH&TT xin ý kiến. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Bộ VHTT&DL lại không hề hay biết về việc tu sửa di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt này. “Bộ không nhận được báo cáo và không hề biết đến sự việc này” - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) Trần Đình Thành thông tin. Mặc dù vậy, ông Thành cũng cho biết, theo Luật Di sản văn hóa quy định việc sửa chữa nhỏ như việc quét vôi của Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ cần xin ý kiến Sở và UBND tỉnh, TP.
Cũng theo ông Trần Đình Thành, Bộ VHTT&DL cũng đã nắm được thông tin phản ánh của báo chí trước tình trạng thay đổi của Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay. “Nếu có nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia, và người dân, Bộ sẽ có ý kiến, xem xét để thay đổi màu vôi đang quét. Dù màu nào cũng không được làm ảnh hưởng hay giảm đi giá trị gốc của di tích”. Bởi vì, theo các chuyên gia bảo tồn, việc chỉnh màu vôi không quá khó, chỉ cần chỉnh lại nồng độ nước cũng như lượng than bùn pha là có thể làm trầm màu xuống.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có vai trò hết sức quan trọng trong tâm thức người Việt. Mỗi việc làm sửa chữa, tu bổ của Văn Miếu đều được dư luận dõi theo. Chính vì vậy, đòi hỏi việc quản lý, tu bổ di tích cần sự thận trọng một cách tối đa, tránh gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân và giá trị của di sản.