Đồng Tâm (Mỹ Đức): Việc vây quanh xe của cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ là hành vi vi phạm pháp luật

Công Thọ - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc vây quanh xe của cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ chỉ là hiểu lầm của một bộ phận nhỏ đối tượng quá khích, còn đại bộ phận Nhân dân xã Đồng Tâm hiền hòa, hiểu biết, tôn trọng pháp luật, ủng hộ Nhà nước trong các chính sách quốc phòng an ninh.

Chiều 25/11, trên mạng xã hội đã lan truyền video một số đối tượng quá khích vây xung quanh một chiếc xe quân sự ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), trên xe có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đồng thời, những đối tượng quá khích đã có những lời nói thóa mạ, không đúng mực.
 Đại bộ phận nhân dân xã Đồng Tâm hiền hòa, hiểu biết, tôn trọng pháp luật, ủng hộ Nhà nước trong các chính sách quốc phòng an ninh. 
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) Đặng Văn Triều cho biết, chiều 25/11, có xe quân đội làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự phục vụ hội thao tại Trường bắn Miếu Môn (nằm ngay cạnh xã Đồng Tâm) có di chuyển qua khu vực Miếu Môn. Cùng thời gian này, tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, Thanh tra Chính phủ đang tổ chức Hội nghị đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn.
Một số đối tượng quá khích lầm tưởng có việc nghiêm trọng, nên đã vây quanh xe. Ngay sau khi bộ đội và chính quyền địa phương giải thích, xe của bộ đội tiếp tục di chuyển tiếp đi làm nhiệm vụ, an ninh trật tự được đảm bảo. 
Đây chỉ là hiểu lầm của một bộ phận nhỏ đối tượng quá khích, còn đại bộ phận Nhân dân xã Đồng Tâm hiền hòa, hiểu biết, tôn trọng pháp luật, ủng hộ Nhà nước trong các chính sách quốc phòng an ninh. Đại bộ phận người dân xã Đồng Tâm luôn mong muốn ổn định an ninh trật tự, đời sống xã hội để phát triển sản xuất, xây dựng xã, huyện, thành phố phát triển, nâng cao đời sống người dân.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy (Hà Nội) cho biết, qua đoạn video cho thấy, các đối tượng quá khích có những hành vi, lời lẽ không đúng mực, thóa mạ, xúc phạm các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ.
Hiện nay, chế tài đối với các hành vi, lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người khác, gây rối nơi công cộng được quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; PC&CC; phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 5 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm) đối với những hành vi, lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người khác, gây rối nơi công cộng...

Trong trường hợp, nếu các đối tượng quá khích bắt, giữ người trái pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm: Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát; Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm.

Dù với bất kỳ lý do gì, việc vây quanh xe, xúc phạm lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.