Viêm phổi Vũ Hán: Đừng hoảng sợ nhưng phải hết sức đề phòng

Bác sĩ Trần Văn Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài việc nỗ lực của ngành y tế, điều cần thiết nhất hiện nay là mỗi người dân hiểu về virus nCoV-2019 để chủ động phòng ngừa.

Khởi đầu của Tết Nguyên đán bằng virus nCoV-2019 từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) đang bay đến 6 quốc gia gồm Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore. Ngày 23/1, virus nCoV đã chính thức có mặt ở Việt Nam là quốc gia thứ 7, gây nên những mối lo ngại chưa từng thấy trong cộng đồng.
Sự bùng phát của nCoV-2019 có những điểm tương đồng nổi bật với cuộc khủng hoảng dịch SARS-CoV diễn ra năm 2003. Việt Nam là một trong số những quốc gia đã trải qua những tháng ngày đau thương ghê gớm nhất, chính tôi cũng đã có những trải nghiệm trong vụ dịch này.
nCoV-2019 là chủng virus thuộc nhóm Corona
Corona nghĩa là “Crown - Vương miện” trong tiếng Latin, nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ “korōnè” với ý nghĩa là vòng hoa, vòng hoa tang, đám mây cuộn, nhưng cũng là vầng hào quang tỏa ra từ ánh mặt trời hay các ngôi sao tỏa sáng.
Virus Corona cũng mang ý nghĩa về mặt hình thái giống như vương miện, vầng hào quang, nhưng cũng giống vòng hoa tang. Bởi trên bề mặt virus có những chiếc gai. Cách sắp xếp của những chiếc gai ở các vị trí tạo 4 nhóm chính là alpha, beta, gamma và delta.
Corona dịch sang tiếng Trung là “冠 狀 - Quan Trạng”
Chữ quan thuộc bộ “mịch - 冖” là chiếc khăn trùm đầu, bên dưới là chữ “nguyên - 元” thuộc bộ nhân đứng và chữ “thốn - 寸” đều có nghĩa là rất cao cấp. Vì thế, chữ quan có nghĩa là mũ, là vương miện, nhưng cũng mang ý nghĩa cao nhất, quan trọng nhất. Chữ trạng là trạng nguyên thuộc bộ “khuyển - 犬“.
Như vậy, dù là tiếng Anh hay tiếng Trung thì virus Corona thuộc loại virus cao cấp nhất, nguy hiểm nhất, độc ác nhất, giống như vòng hoa tang; sẽ là thảm họa nếu ai đó không may mắc phải.
 TP Vũ Hán được phong tỏa chặt chẽ trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của căn bệnh giống như SARS. Ảnh: AFP.
Trình tự gen của loại virus này đã được các nhà khoa học Trung Quốc nhanh chóng giải mã, cho thấy chủng virus nCoV-2019 là βCoV của nhóm 2B, có liên quan mật thiết đến SARS-CoV và việc lây truyền từ người sang người đang xảy ra. Có thể nói, nCOV-19 chính là đứa em họ cùng chia sẻ tới 70% đặc tính di truyền với SARS-CoV, nhưng 30% sự khác biệt ấy có thể sẽ tạo ra những thay đổi sinh học lớn.
Con số 30% sự khác biệt về mặt di truyền phần nào giúp cho tôi yên tâm hơn. Nghĩa là nCoV-2019 có sự khác biệt rất lớn so với SARS-CoV, cả về cấu trúc phân tử cho đến các biểu hiện lâm sàng, dường như nCoV-2019 không nguy hiểm như SARS-CoV cách đây 17 năm.
2 sự khác biệt… may mắn
Đầu tiên, SARS-CoV nhanh chóng làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng viêm phổi nặng, trong khi nCoV-2019 thì ít bệnh nhân bị viêm phổi hơn. Thứ hai, nCoV-2019 dường như không gây chết người nhiều như SARS-CoV, tỷ lệ lên 1% so với 10% bệnh nhân chết. Nhưng cả 2 điều mà tôi cho là may mắn này, có thể chưa đúng bởi đây mới là giai đoạn khởi đầu của dịch nCoV-2019, phải đợi cho đến khi các quần thể nhiễm bệnh rõ ràng thì mới đánh giá được mức độ nghiêm trọng.
Điều lo ngại nhất hiện nay, nCoV-2019 có thời gian ủ bệnh dài nên rất khó kiểm soát
Một điều lo ngại nữa, là biến thể virus ở vị trí Beta, giúp cho nCoV-2019 dễ dàng lây nhiễm từ người sang người hơn, so với những gì mà chúng ta vẫn tưởng là chỉ lây truyền hạn chế.
Tương tự, liệu mèo, cầy, dơi, rắn hay các động vật hoang dã khác có đóng vai trò truyền nCoV-2019 cho mọi người, giống như với Sars-CoV hay không? Điều này cần được đánh giá càng sớm càng tốt để giúp ngăn chặn nguồn gây dịch bệnh bùng phát.
Dơi ở Vũ Hán tìm thấy có virus Corona
Dơi được coi là vật chủ tự nhiên, nghĩa là dơi mang virus ngẫu nhiên, nhưng bản thân dơi không thể truyền bệnh cho người. Trong dịch SARS-CoV năm 2003, virus corona từ dơi tạo ra biến thể rồi nhảy sang cầy hương, từ cầy hương virus lại nhảy sang người để gây bệnh.
Dịch nCoV-2019 rất có thể dơi cũng là vật chủ tự nhiên, sau đó virus tạo ra biến thể gen ở vị trí Beta, rồi từ dơi nhảy sang rắn là vật chủ trung gian, từ rắn virus lại nhảy sang người ở chợ bán thịt Vũ Hán.
Việc phát hiện ra biến thể Beta của virus nCoV-2019 là tín hiệu may mắn, dần làm sáng tỏ sự tiến hóa của virus, cách thức lây truyền, khả năng gây bệnh, cách phòng chống, vaccine, cũng như kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Tôi tin rằng, dịch cúm Vũ Hán đang bùng phát ở Trung Quốc, rồi sẽ gặp một số ca bệnh ở Việt Nam khi có người từ TP Vũ Hán trở về.
Nhưng chúng ta đủ sức để khống chế không để dịch bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ngoài việc nỗ lực của ngành y tế, điều cần thiết nhất lúc này là mỗi người dân hiểu về virus nCoV-2019 để chủ động phòng ngừa.
Chưa có thuốc điều trị nCoV-2019
Hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả nCoV-2019. Phương pháp điều trị chính vẫn là liệu pháp điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch.
Triệu chứng
Các triệu chứng chính của bệnh viêm phổi là sốt, ho khan, khó thở dần, hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu.
Cách phòng bệnh
Cách phòng ngừa hiệu quả là đeo khẩu trang, rửa tay và khử trùng, không ăn thịt động vật hoang dã, chỉ ăn thịt đã chế biến đúng kỹ thuật và nấu chín. Virus lây chủ yếu qua giọt nước bọt lớn, rất ít virus trong không khí, nên đeo khẩu trang là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Không cần phải sử dụng mặt nạ chống khói N95. Khẩu trang y tế thông thường không phải loại 3 lớp cũng ngăn chặn được virus.
nCoV-2019 lây từ người sang người
Virus nCoV-2019 có thể truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, ho, hắt hơi. Người dân nên có ý thức khi ho hay hắt hơi phải dùng khăn giấy sử dụng 1 lần bịt miệng, hoặc dùng mặt trong khủy tay áo che kín miệng. Hãy làm như người Nhật: Mùa cúm khi phải đến những nơi đông người cần thiết đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cho những người xung quanh. Trẻ em đến trường cả lớp đeo khẩu trang; đi xe buýt, xe taxi hay các phương tiện công cộng khác, đặc biệt là những người lái các phương tiện này, đều đeo khẩu trang.
Nguy hiểm khi ăn thịt động vật
Virus nCoV-2019 ở động vật hoang dã không gây nguy hiểm cho động vật. Nhưng khi nó “nhảy” sang người sẽ là vấn đề nghiêm trọng, kể cả khi đã nấu ở nhiệt độ cao cũng chưa chắc “giết chết” virus. Bởi vậy nên từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã.