Viễn cảnh khó lường trên bán đảo Triều Tiên

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản, tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó vào đầu tuần, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua lệnh trừng phạt được cho là mạnh nhất từ trước tới nay nhằm vào Triều Tiên, trong đó bao gồm việc đặt mức trần cho hoạt động nhập khẩu dầu của Triều Tiên, cũng như cấm nước này xuất khẩu hàng may mặc.
 Màn hình lớn mô tả hành trình di chuyển của tên lửa Triều Tiên bay qua không phận Nhật Bản trên đường phố Tokyo.
Tuy nhiên theo yêu cầu từ phía Mỹ và Nhật Bản trước các diễn biến mới, Liên Hiệp Quốc đã tiến hành cuộc họp khẩn vào hôm qua để bàn về các biện pháp đối phó. Động thái của Triều Tiên đã tạo nên áp lực lớn đối với Nga và Trung Quốc, 2 quốc gia được cho là lý do chính dẫn đến việc lệnh trừng phạt lần này không đi theo hướng Mỹ mong muốn, như việc cấm mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên và phong toả tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Theo phân tích của giới chuyên gia, việc Trung Quốc phản đối đề xuất cấm Triều Tiên nhập khẩu dầu được cho là xuất phát từ lo ngại về sự sụp đổ nền kinh tế của nước này, qua đó sẽ dẫn đến một làn sóng người tị nạn tràn vào Trung Quốc. 
Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nga cần có những hành động cứng rắn nhằm phản ứng trước hành động được cho là khiêu khích và nguy hiểm của Triều Tiên. Ông Tillerson cho rằng những chính sách mà Triều Tiên đang theo đuổi sẽ chỉ tiếp tục khiến nước này bị cô lập về mặt ngoại giao và kinh tế. Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bày tỏ quan điểm không thể đối thoại với Triều Tiên vào thời điểm này, theo đó, ông Moon Jae In đã yêu cầu quân đội Hàn Quốc chuẩn bị đối phó với các hình thức tấn công mới như vũ khí điện từ và vũ khí sinh học của Triều Tiên. Nhật Bản cũng thể hiện thái độ cứng rắn khi Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là không thể chấp nhận, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và gửi đi thông điệp rằng những hành động của Triều Tiên đang đe doạ tới hoà bình thế giới.
Trước áp lực ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi những chính sách cực đoan, tuy nhiên điều này đang đặt Mỹ vào vị trí khó xử. Một mặt, Washington cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm trấn an các đồng minh và dư luận, mặt khác, nước này vẫn cần để ngỏ cánh cửa hẹp cho giải pháp ngoại giao. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tính tới phản ứng của Trung Quốc khi tính tới các phương án cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Trung Quốc vào tháng 11 tới được dư luận kì vọng sẽ có thể mang lại tín hiệu tích cực nhằm hạ nhiệt căng thẳng và đem lại sự ổn định cho khu vực châu Á.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần