Giáo dục tích hợp, xây dựng con người thông minh trong phát triển đô thị

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của TS Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý (ISCM) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh với PV Báo Kinh tế&Đô thị. Cụ thể, giá trị lớn nhất mà trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thông qua ISCM chính là nâng cao chất lượng giáo dục, cuộc sống đô thị hướng đến đô thị thông minh và bền vững.

Ngay sau khi trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ra mắt ISCM, TS Trịnh Tú Anh - Viện trưởng ISCM đã có những chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị về vai trò và sứ mệnh của ISCM trong quản lý đô thị.
 TS Trịnh Tú Anh - Viện trưởng ISCM
PV: Thưa TS Trịnh Tú Anh, đâu là nguyên nhân để trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập ISCM? Được biết cùng với ISCM, trường còn ra mắt 2 viện nữa là Viện Công nghệ tài chính và Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe. Vậy, 3 viện này đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ gì cho nhau? 
- TS Trịnh Tú Anh: Hiện nay, xu hướng phát triển của thế giới là phát triển đa ngành và kinh tế luôn là mấu chốt để đưa ra bất cứ quyết định gì. Chẳng hạn như, quyết định về xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết định về phát triển đô thị, du lịch, hay đô thị thông minh…
Tuy nhiên, sự tích hợp các lĩnh vực với nhau tại Việt Nam còn yếu và thiếu, nhận thấy rõ điều này nên trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã chọn lĩnh vực đô thị. Chẳng hạn như trường hợp của TP Hồ Chí Minh, có thể khẳng định TP Hồ Chí Minh là một trong những TP đi đầu trong phát triển đô thị thông minh. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cũng thành lập đơn vị quản lý, trong đó có các sở, ban, ngành…Thậm chí, có đại diện làm câu chuyện đó là Công ty phần mềm Quang Trung …Nhưng thiếu vẳng hẳn trường đại học là nhà nghiên cứu, là viện nghiên cứu, trong khi các nước trên thế giới đều có.

Và hiển nhiên cái gì thiếu thì phải bổ sung ngay lập tức, đó là lý do Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nỗ lực cho ra đời ISCM.

Vậy khi đi vào hoạt động ISCM sẽ đảm nhận vai trò gì trong quản lý đô thị, thưa TS?

- TS Trịnh Tú Anh: Xu hướng phát triển đô thị thông minh là của thế giới và của cả Việt Nam. Thực chất, nhiều người đang đặt câu hỏi rằng: Đô thị thông minh có phải là câu chuyện của chính quyền điện tử không? Có phải là câu chuyện chỉ ứng dụng công nghệ thông tin hay không? Có phải là câu chuyện cơ sở hạ tầng thông minh hay không? Hay chỉ có sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) mới là câu chuyển của đô thị thông minh hay không?...

Đứng trên phương diện giáo dục, trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận thấy rằng tất cả những câu hỏi vừa nêu trên đều không dẫn đến quá trình đô thị thông minh. Đô thị thông minh phải là câu chuyện làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào giải quyết tất cả các vấn đề của đô thị, và sự giải quyết này phải hiệu quả trong nguồn lực đang có.

Có thể hiểu, nguồn lực ở đây chính là con nguời, là tiền, là trình độ, là sự tích hợp của tất cả các lĩnh vực lại với nhau, nó có giải quyết được cái vấn đề hay không? Vì đô thị cũng như cơ thể con người, cứ hoạt động thì sẽ nảy sinh ra vấn đề, và nhiệm vụ của đô thị thông minh là phải giải quyết nó liên tục, hiệu quả.

Ví dụ, với người dân, như thế nào là phát triển trong một đô thị thông minh, đơn giản chỉ là tôi muốn mua cái này tôi mua ở đâu, tôi muốn tìm thông tin này tôi tìm ở đâu… từ những cái tưởng chừng như rất nhỏ đó, nhưng vẫn phải cần sự tích hợp thông tin để giải quyết vấn đề mà họ đang cần thì đó là đô thị thông minh.
Thực tế, câu chuyện đô thị thông minh đã có tại Việt Nam hơn 2 năm qua, song hầu như ban đầu chỉ tập trung vào công nghệ, xây dựng…sau này mới nới thêm sang các lĩnh vực, thành phần khác. Tuy nhiên, cuối cùng vấn đề giáo dục hay nói khác hơn là câu chuyện phát triển đô thị thông minh bài bản vẫn chưa có.
 TS Trịnh Tú Anh giới thiệu về ISCM trong buổi ra mắt sáng 29/9
Từ đó, tôi khẳng định việc thành lập ISCM là phù hợp và cần thiết. Viện ra đời để giáo dục, cụ thể là giáo dục tích hợp, giáo dục đi đôi nghiên cứu, làm dự án, để đảm bảo sinh viên bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… thì mỗi môn học của các bạn dù là lý thuyết hay thực hành, cũng phải giải quyết được một vấn đề hiện hữu đang xảy ra trong đô thị, một cách tối ưu nhất. Từng bước, từng bước, để giải quyết bài toàn: Làm sao để phát triển thông minh hơn!

Nhấn mạnh là việc giáo dục ở đây không giới hạn là các bài giảng trên lớp, nó có thể mở rộng là các cuộc thi, triển lãm, làm dự án, làm nghiên cứu…thông minh ở đây cách học và dạy phải thông minh trong điều kiện hạn hẹp.

Thưa TS, vị trí cụ thể của ISCM trong phát triển đô thị thông minh của TP Hồ Chí Minh?
- Cần phải khẳng định rằng, với việc phát triển đô thị thông minh của TP Hồ Chí Minh, ISCM không có ước vọng hay nguyện vọng tham gia vào vị trí A, vị trí B, vị trí C, hay bất cứ vị trí nào khác…bởi như đã phân tích ở trên, vai trò đầu tiên, vai trò sau cùng của ISCM vẫn là vai trò về giáo dục. Cái gì mà phù hợp với phương hướng đường lối của Đảng và Nhà nước, của địa phương…chúng tôi sẵng sàng chung tay cùng làm, hỗ trợ, thậm chí marketing 0 đồng. Có nghĩa là nếu thấy phù hợp, ISCM sẽ làm và không trông chờ vào việc được trả công hay cho lại dự án, vì nó không mang tính chất của người làm giáo dục.
Nếu nhìn xa một chút sẽ thấy, hầu hết ở các nước phát triển vai trò của trường đại học, hay viện nghiên cứu rất là lớn. Bởi vì, thông thường những người ở đấy sẽ làm công việc mà không bao giờ suy nghĩ đến quyền lợi, hay cụ thể hơn tiền bỏ vào túi họ, vì nếu nghĩ đến tiền bỏ vào túi thì không ai chọn làm giáo dục.

Với việc phát triển đô thị thông minh của TP Hồ Chí Minh cũng vậy, ISCM cũng sẽ nỗ lực đóng góp trong đúng vai trò của mình, đó là giáo dục.
TS có thể cho biết thêm, sắp tới ISCM sẽ tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu nào hay không? Cụ thể từng lĩnh vực?
- Ngay từ đầu, khi nhen nhóm ý tưởng thành lập ISCM, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã xác định, nội dụng phát triển đô thị thông minh, hay mô phỏng đô thị thông minh chỉ là một phần nhỏ. ISCM sẽ hoạt động theo mô hình mở, để có thể kêu gọi được nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau cùng giải quyết các vấn đề cho đô thị.

Hiện nay, 4 dự án lớn của ISCM gần như không có liên quan đến nhau: Một dự án về giáo dục, một dự án an toàn giao thông, một dự án xử lý rác thải, và một dự án phát triển cho nông nghiệp.

Như vậy, ISCM cùng đối tác sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống đô thị hướng đến đô thị thông minh và bền vững thông qua 3 hoạt động: giáo dục tích hợp, nghiên cứu và phát triển, giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua các dự án. Tứ đó, hướng tới phát triển một nền giáo dục tốt hơn và một Việt Nam phát triển bền vững.

Giá trị lớn nhất mà Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thông qua ISCM là gì, thưa TS?

- Mục tiêu xuyên suốt của trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là xây dựng ISCM thành một nơi nghiên cứu để có thể tạo ra những ý tưởng xuất sắc, và những ý tưởng xuất sắc này phải đi từ vấn đề thực tế. Sau đó, giải quyết vấn để theo sự tích hợp các lĩnh vực, và làm sao để có kết quả tốt nhất.

Đồng thời, trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng hiểu rất rõ, bên cạnh vấn đề giáo dục, trường xem trọng trách nhiệm xã hội, đóng góp để có một nền giáo dục tốt hơn. Làm sao để chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao trong một đô thị thông minh, đó là kỳ vọng lớn nhất.

Xin cảm ơn TS Trịnh Tú Anh!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần