Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một cựu chiến binh kiện đòi bồi thường 10,5 tỷ vì bị bắt giam oan gần 4 năm

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau những trận chiến đấu ác liệt chống lại bè lũ diệt chủng Pôn Pốt – Iêngxary, người lính trẻ được đơn vị cử về Việt Nam để nhận tài liệu tập huấn và bỗng dưng bị công an xã bắt với tội “cướp tài sản riêng của công dân” vào khuya 26/7/1979, rồi bị khởi tố bắt giam vào ngày 27/7/1979.

Đó là ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958, hiện cư ngụ ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Sau khi bị bắt giam 3 năm 9 tháng 14 ngày, đến ngày 11/5/1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Dũng vì ông không thực hiện hành vi phạm tội.

Cả gia đình 9 người bị bắt oan

Quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân” đối với ông Nguyễn Văn Dũng, do Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành ngày 11/5/1983. Trong quyết định này thể hiện cả gia đình ông bị dung nhục hình!

Sáng nay 27/7, TAND huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đưa vụ án công dân – Cựu chiến binh – Thương binh Nguyễn Văn Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh về “Tranh chấp về bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Ông Dũng yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường gần 10,5 tỷ đồng cho bản thân ông vì bị bắt oan, bị dùng nhục hình trong quá trình bị giam giữ. Tuy nhiên do 1 Hội thẩm nhân dân không có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, nên 8 luật sư bảo vệ cho ông Dũng đề nghị hoãn phiên tòa và được HĐXX chấp nhận hoãn. Phiên tòa sẽ mở lại vào sáng 21/8.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 1979 ông Dũng là bộ đội thuộc C19 – E774 Sư doàn 317 (Quân khu 7), đóng quân tại chiến trường Campuchia. Ngày 25/7/1979, ông Dũng được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khoảng 23h ngày 26/7/1979, ông Dũng bất ngờ bị Công an xã bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do ông “Cướp tài sản riêng của công dân” và ra lệnh bắt tạm giam từ ngày 27/7/1979.

 

Trong suốt thời gian bị bắt giam, dù bị nhục hình ép cung nhưng ông Dũng cương quyết không nhận tội nên đến ngày 11/5/1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định số 15/KSĐT – TA về việc “Đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Dũng” do không thực hiện hành vi phạm tội và trả tự do.

Thời gian từ khi bị bắt giam cho tới khi được trả tự do, ông Dũng phải ngồi trong nhà tù mất 3 năm 9 tháng và 14 ngày. Tuy nhiên nỗi đau này không chỉ mỗi mình ông Dũng gánh chịu mà khi ông bị bắt… thì cả 8 người thân trong gia đình ông cũng bị bắt giam, bị nhục hình, tra tấn!

Những người bị bắt theo ông Dũng, gồm: ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1953, anh ruột ông Dũng), bà Nguyễn Thị Lan (SN 1953, vợ ông Chiến), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1946, chị ruột ông Dũng), ông Hồ Long Chánh (anh rễ ông Dũng), ông Nguyễn Thành Nghị (SN 1918, cha của bà Nguyễn Thị Lan), bà Võ Thị Thương (SN 1925, vợ của ông Nghị), ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1961, con của ông Nghị), bà Nguyễn Kim Chung (SN 1979, con của ông Nguyễn Văn Chiến và bà Nguyễn Thị Lan, lúc bị bắt cùng cha mẹ vào trại giam chỉ 2,5 tháng tuổi).

Sau khi được trả tự do vì không phạm tội, với lòng yêu nước ông Dũng quay trở lại đơn vị cũ ở chiến trường Campuchia để xin được tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù. Tuy nhiên, đơn vị từ chối tiếp nhận vì trước đó ông Dũng bị bắt với tội danh nêu trên!

 

Ông Nguyễn Văn Dũng (bên trái) cùng đồng đội cũ tại TAND huyện Gò Dầu.

Chỉ bồi thường trên 586 triệu đồng cho 45 tháng 14 ngày tù!

Sau đó, ông Dũng trở về quê nhưng đất mất, và không thể chịu nổi những cái nhìn soi mói của làng xóm nên gia đình ông trôi dạt về huyện Dầu Tiếng (tỉnh Sông Bé cũ – nay thuộc Bình Dương). Tại đây, ông Dũng lập gia đình và bắt đầu hành trình khiếu nại. Đến năm 2000, ông được Sư đoàn 317 giải quyết chế độ xuất ngũ. Và từ đây, ông Dũng tiếp tục cuộc hành trình khiếu nại kéo dài đằng đẵng, hết tìm tới các cơ quan Trung ương đóng tại TP Hồ Chí Minh, rồi lại đội đơn ra Hà Nội…

Và, mãi đến tháng 8/2017 (sau khi có công văn của Viện KSND Tối cao), ông Dũng mới được Viện KSND tỉnh Tây Ninh mời tới làm việc nhưng để… cho có! Mãi đến cuối tháng 11/2017, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới tổ chức thương lượng… bồi thường cho ông Dũng, sau khi Báo Quân đội Nhân dân lên tiếng! Tuy nhiên, mức bồi thường do Viện KSND tỉnh đưa ra chỉ trên 586 triệu đồng, và chỉ bồi thường cho một mình ông Dũng, còn những người thân của ông thì bị… xù!

Do nỗi oan cả một gia đình 9 người phải gánh chịu, có người hiện giờ không biết ly tán nơi đâu, nên ông Dũng không chấp nhận mức bồi thường nêu trên. Vì vậy vào đầu tháng 1/2018, ông Nguyễn Văn Dũng khởi kiện với yêu cầu TAND huyện Gò Dầu buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông và 8 người thân bị oan với số tiền gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên TAND huyện Gò Dầu yêu cầu ông Dũng sửa lại đơn và chỉ yêu cầu bồi thường cho một mình ông. Do đó đầu tháng 2/2018, ông Dũng nộp lại đơn kiện với yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho riêng ông số tiền gần 10,5 tỷ đồng.

Đến ngày 6/4/2018, TAND huyện Gò Dầu tổ chức buổi hòa giải giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng với bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Tại buổi hòa giải, đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh chỉ đồng ý bồi thường cho ông Dũng số tiền 586.458.576 đồng, nên TAND huyện Gò Dầu đưa vụ án ra xét xử.