Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: GDP 2020 trong khoảng 2,6 - 2,8%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8%, khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020.

 Quang cảnh tọa đàm

Sáng 21/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng đầu năm 2020". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

Báo cáo của VEPR chỉ ra, trong quý 2/2020, nhiều nền kinh tế hứng chịu tăng trưởng âm. Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, kinh tế châu Âu tiếp tục suy giảm, kinh tế ASEAN tiếp tục suy giảm tăng trưởng, kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề thêm từ đại dịch… Việc hầu hết các nền kinh tế lớn buộc phải đóng cửa trong các tháng đầu năm có tác động nghiêm trọng lên thị trường lao động và gây đình trệ chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn tiếp tục được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong 9 tháng đầu năm, PBoC đã 3 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Thu ngân sách nước này đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng Sáu. Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 - 0,25%, tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Các gói hỗ trợ tài khóa cũng tiếp tục được chính phủ thực hiện. Theo ước tính mới nhất vào tháng 9 của Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách Mỹ trong năm 2020 có thể chạm mức 3,3 nghìn tỷ USD.

Tại châu Âu, ECB giữ nguyên lãi suất và chi thêm 120 tỷ EUR vào gói thu mua tài sản (APP) cho đến cuối năm và chi thêm 600 tỷ EUR cho PEPP, nâng tổng trị giá của chương trình này lên mức 1.350 tỷ EUR. Cuối tháng 9, Ủy ban châu Âu thông qua gói tài trợ 87,4 tỷ EUR cho các nước thành viên để bảo vệ thị trường lao động.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý 3/2020, đạt 2,62%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 2,12%.

Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với 9 tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2020 cho thấy: Có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2020 tốt hơn quý 2/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Kết quả này kém hơn so với Quý 2/2020, cho thấy đợt dịch Covid-19 lần 2 ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong quý 3 có xu hướng gia tăng từ mức đáy ở tháng 4/2020 nhưng vẫn ở mức thấp. Cán cân thương mại quý 3 thặng dự 10,7 tỷ USD với vai trò tăng lên của khu vực trong nước. Tuy nhiên, thu ngân sách giảm do Covid-19. Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến quý 3/2019 ước tính đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh không chỉ trong nước mà trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam…

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8% khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần