Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu chính sách

TS Võ Hải Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/11/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 221/1998/QĐ-TTg chính thức thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ và TP trong việc phát huy vai trò của tri thức, của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Viện đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan nghiên cứu của T.Ư và của các tỉnh, TP trong cả nước.

 Quang cảnh hội thảo.
Kéo gần nghiên cứu khoa học với thực tiễn chính sách
Là cơ quan sự nghiệp khoa học trực thuộc UBND TP, nhiệm vụ chủ yếu của Viện tập trung vào 2 lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị và chuẩn bị luận cứ khoa học giúp Thành ủy, HĐND, UBND TP chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, xây dựng và tổ chức triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Với nhiệm trên đòi hỏi Viện phải ra sức tìm tòi hướng đi và không ngừng nỗ lực, vươn lên để khẳng định vị thế, uy tín của mình. Điều này xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của Hà Nội, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Viện bao gồm nhiều vấn đề rộng lớn, bao trùm lên các lĩnh vực đời sống xã hội của Thủ đô; tính chất, mức độ phức tạp của vấn đề nghiên cứu cũng rất cao.
Từ 30 biên chế được giao khi thành lập, đến nay, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã có 50 biên chế. Tổ chức, bộ máy gồm 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ với 6 Tiến sỹ, 20 Thạc sỹ và nhiều cán bộ đang là nghiên cứu sinh. Nhiều cán bộ, nghiên cứu viên của Viện đã được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị khác của TP.
Trước hết xuất phát từ thực tế Hà Nội là một trong 17 Thủ đô lớn nhất thế giới, có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao và thành phần dân cư đa dạng; là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và nằm trong số ít các Thủ đô ngàn năm tuổi trên thế giới. Cùng với đó, việc tiếp cận các vấn đề nghiên cứu đòi hỏi phải áp dụng tổng hợp hệ thống các phương pháp nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các số liệu, dữ kiện, cũng như sử dụng chuyên gia trên các lĩnh vực chuyên ngành.

Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã từng bước củng cố để chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn giúp lãnh đạo TP về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị; tham gia nghiên cứu xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quan trọng phát triển Thủ đô giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, tư vấn xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiều quận, huyện trong TP; tích cực nghiên cứu, chuẩn bị luận cứ lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến XVI...

Viện đã chủ trì, phối hợp nghiên cứu hơn 100 đề tài trên các lĩnh vực đời sống xã hội Thủ đô và nhiều đề án tập trung vào những vấn đề nổi cộm, xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của TP, qua đó kiến nghị, đề xuất TP các giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng quản lý đô thị, xây dựng chính quyền như: Định hướng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; xây dựng chính quyền điện tử; giải pháp thúc đẩy kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; tái cấu trúc nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức; giải pháp tiếp cận dịch vụ xã hội của người nghèo; phát triển văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Đặc biệt, gần đây, đã phối hợp với Sở KH&CN, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng và triển khai Chương trình khoa học trọng điểm của TP về “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; xây dựng Đề án “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Quản lý và giảm thiểu những rủi ro có thể trở thành thảm họa” có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển Thủ đô...

Tiếp tục đổi mới, vươn lên

Công cuộc đổi mới ở Thủ đô sau hơn 30 năm đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Song bên cạnh đó tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực diễn biến mau lẹ, phức tạp, khó lường, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, vừa tạo thời cơ, vừa là thách thức lớn đối với Thủ đô và đất nước.

Trong bối cảnh đó, công tác tham mưu, nghiên cứu khoa học của Viện cần phải đi trước một bước, đồng thời với đòi hỏi cần làm tốt vai trò đầu mối giúp TP khai thác tiềm năng khoa học và công nghệ, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học trình độ cao trên địa bàn.

Để thực hiện tốt yêu cầu trên, trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tập trung triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất: Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình Thủ đô, đất nước, cập nhật những xu hướng phát triển, thành tựu khoa học và công nghệ trên thế giới, tiếp tục xác định phạm vi, đối tượng, phương pháp nghiên cứu, chủ động đề xuất những nhiệm vụ khoa học phù hợp trong từng giai đoạn. Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển của Viện từ nay đến năm 2025, định hướng 2030 với những mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể. Trước mắt, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu TP giao, như: Chương trình khoa học trọng điểm của TP, phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ TP; Đề án nâng cao năng lực điều hành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0...

Thứ hai: Tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

Thứ ba: Tăng cường các điều kiện đảm bảo hoạt động tham mưu, nghiên cứu khoa học. Xây dựng hệ thống thông tin trong lĩnh vực này, cập nhật thường xuyên các kết quả nghiên cứu, kết nối với các cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước. Phối hợp tham mưu, giúp TP xây dựng, khai thác, phân tích cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ công tác nghiên cứu, cũng như công tác quản lý, xây dựng chính sách. Đề xuất T.Ư, TP tiếp tục cải cách cơ chế tài chính theo hướng khoán đến sản phẩm cuối cùng; hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học của TP và của Viện phù hợp với tình hình phát triển Thủ đô. Đổi mới, nâng cao chất lượng, xây dựng ấn phẩm “Đặc san kinh tế - xã hội Thủ đô” và “Bản tin Hà Nội hội nhập và phát triển” thực sự là tài liệu trao đổi, cung cấp thông tin và công bố, trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học.

Thứ tư: Tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm các kết quả nghiên cứu có trình độ tiên tiến, tương đương trong khu vực. Tham mưu giúp TP xây dựng cơ chế, chính sách, hình thành mạng lưới các cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng, kết nối, sử dụng có hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên thường xuyên, tạo tiềm lực quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.

Thứ năm: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được TP giao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần