TP Hồ Chí Minh nên phát triển về hướng Bắc, Đông?

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh trước đó được phê duyệt năm 2008. Đến năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội đã có nhiều biến đổi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh. Trên tinh thần của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn trong nước là Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với Công ty Tư vấn INSAR của CHLB Đức triển khai lập quy hoạch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đồ án quy hoạch đã được Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định, có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong vùng, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia phản biện quốc tế và trong nước. Sau khi lấy các ý kiến đóng góp, Đồ án đã hoàn chỉnh.

Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TP Hồ Chí Minh có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng TP Hồ Chí Minh nắm giữ vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á, giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, là cầu nối tiểu vùng sông Mekong. Vùng TP Hồ Chí Minh có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước. Ý nghĩa đặc biệt của vùng TP Hồ Chí Minh còn thể hiện ở góc độ kinh tế, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TP Hồ Chí Minh dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia.

Đóng góp ý kiến cho đồ án quy hoạch, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đồ án quy hoạch vùng TP Hồ Chí Minh cần phân tích tại sao làm quy hoạch giao thông chậm? Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, có thể là tiền không đủ nhưng nếu không có giải pháp thì sắp tới lặp lại các tuyến vành đai 1, 2, 3... phát triển giao thông công cộng, tăng cường giao thông thủy,... sử dụng vốn ngân sách khó triển khai.

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, quy hoạch vùng TP Hồ Chí Minh gồm 8 tỉnh thành liên quan, TP Hồ Chí Minh là đô thị trung tâm. Đây là vùng quan trọng nhất cả nước, vì vậy phải làm sao để phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của nó. Vùng TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Kết nối hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông các tỉnh trong vùng phải phân công hợp tác, hỗ trợ nhau để phát triển.

Về mặt chuyên môn, tại hội nghị cũng đã có một vài khuyến cáo được đưa ra đối với công tác quy hoạch của TP Hồ Chí Minh. Theo Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, TP Hồ Chí Minh nên phát triển về hướng Bắc, Đông (các quận huyện Hóc Môn, Củ Chi) vì hướng Nam là vùng trũng, hướng thoát nước; đồng thời tăng cường giao thông kết nối vùng và tăng không gian mở để giảm nguy cơ ngập lụt. Liên hệ với thực tế, mặc dù đồ án quy hoạch TP Hồ Chí Minh đều vạch ra cả 4 hướng phát triển cho thành phố, tuy nhiên trên thực tế TP Hồ Chí Minh chỉ phát triển mạnh về hướng Nam và Đông Nam.

Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam cũng đề cao vai trò của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương vì đây là vùng cửa ngõ phía Đông và cửa ngõ kinh tế biển Đông; vai trò của Đồng Nai, Bà Rịa gắn chặt với tiềm năng vùng; vùng Tây Ninh, Bình Dương, Long An ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ hành lang xanh…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần