Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến: Nhiều ngành thưởng Tết rất cao

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện thưởng Tết năm 2020 vẫn đang thu hút dư luận xã hội. Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến cho biết: Năm 2020 có nơi thưởng Tết cao hơn 5 - 10% so với năm trước.

Ông có thể cho biết, khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, năm nay các DN thưởng Tết cho người lao động (NLĐ) ở mức thế nào?
- Đến ngày 12/1, Tổng Liên đoàn sẽ họp và có thông tin chính thức. Tuy nhiên, thông tin chung, thưởng Tết năm nay cao hơn năm trước nên nhiều NLĐ phấn khởi hơn. Có những ngành mọi năm thưởng Tết rất cao, năm nay thưởng Tết còn cao hơn. Các ngành dịch vụ chẳng hạn, đặc biệt là ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; hay các công ty lớn nước ngoài như dầu khí, Honda, Toyota có mức thưởng Tết rất cao.
Ông Vũ Minh Tiến cho biết: Nhiều DN thưởng Tết làm 2 đợt để giữ chân người lao động. Ảnh: Trần Oanh
Nhưng đối với chúng tôi, dưới góc độ làm nghiên cứu, khi thấy DN nào đó công bố thưởng Tết trung bình 10 triệu đồng, điều đó không nói lên gì nhiều. Hay, tỉnh A có mức thưởng Tết cao nhất 300 triệu đồng/người nhưng không phải là mặt bằng chung. Chúng tôi muốn biết người được thưởng 300 triệu đồng ấy là ai? Chắc chắn là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc. Thông thường, NLĐ được thưởng Tết 1 tháng lương.
Vấn đề thứ hai, chúng tôi quan tâm, đó là hiện nay, một số DN thay vì thực hiện chính sách trả lương cao hàng tháng cho NLĐ đã rút xuống mức bình thường, sau đó dồn vào cuối năm thưởng Tết.
Thực tế, có tình trạng nhiều DN cạnh tranh nhau, giữ chân NLĐ bằng thưởng Tết cao. Lại có nhiều DN thưởng Tết làm 2 đợt (trước và sau Tết) để tránh tình trạng NLĐ lĩnh hết tiền thưởng, qua Tết không đi làm trở lại.
Thông tin thưởng Tết 2020 ở các địa phương cho thấy có người được cả trăm triệu đồng nhưng lại có nơi NLĐ chỉ được vài chục nghìn đồng. Việc chênh lệch trong thưởng Tết có tác động thế nào đối với NLĐ?
- Thưởng Tết nhiều hay ít phụ thuộc vào doanh thu lợi nhuận và khích lệ thưởng của DN cho NLĐ bằng hình thức nào. Qua câu chuyện này, cho thấy vai trò, tiếng nói của tổ chức Công đoàn - đại diện cho NLĐ cần được thể hiện. Tổ chức Công đoàn phải phản ánh được tâm tư nguyện vọng, những so sánh, băn khoăn, lo lắng của NLĐ.
Theo đó, phải phân tích được năm vừa rồi, DN làm ăn rất tốt, số đơn hàng nhiều, tại sao lại thưởng lùi xùi như thế. Ví dụ, cùng là DN dệt may, tại sao bên họ thưởng Tết 10 triệu đồng/người mà công ty mình chỉ có 7 triệu.
Hơn nữa, Bộ luật Lao động có quy định việc thưởng cho NLĐ. Vì thế, tổ chức đại diện cho NLĐ cần công bố công khai quy chế thưởng. Đặc biệt, DN phải lấy ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ trước khi công bố và ra quyết định về việc này.
Các ngành Dịch vụ có mức thưởng Tết rất cao. Ảnh: Internet
Thưởng Tết để "giữ chân" NLĐ không là vấn đề lớn đối với DN sản xuất kinh doanh tốt. Tuy nhiên, những DN hoạt động khó khăn khá đau đầu về vấn đề này. Ông có ý kiến gì với DN?
- Đúng là nhiều DN hoạt động khó khăn, không có tiền lương trả cho NLĐ, nói gì đến thưởng Tết. Lúc đó, DN cần thông tin cho tổ chức công đoàn, đội ngũ NLĐ biết những con số cụ thể để họ chia sẻ với chủ sử dụng lao động.
Qua thực tế nhiều năm, chúng tôi được biết, có những ông chủ DN khóc rưng rức, không ngờ nhiều công nhân bình thường lại tốt đến thế. Khi ông chủ DN nói rất muốn thưởng Tết nhưng đơn hàng bị hủy, kinh doanh bị lỗ... nên không còn tiền, công nhân lại vỗ tay thể hiện sự sẻ chia. Như vậy, NLĐ rất cần DN công khai thông tin, chia sẻ với nhau. Nhưng vấn đề là
DN phải gặp khó khăn thật
Nhưng lại có một số DN lợi dụng sự cả tin, lòng tốt của NLĐ để bỏ qua thưởng Tết là không được. Cách làm chụp giật này chỉ được 1 - 2 năm, chứ không thể giấu mãi được NLĐ. Nếu NLĐ biết bị lợi dụng, họ sẽ bỏ đi. Hơn nữa, cơ chế thị trường, DN nào có chính sách tốt sẽ giữ lại được NLĐ. DN nào không làm ăn tốt sẽ dẫn đến phá sản là chuyện bình thường.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần