Việt Nam bác bỏ luận điệu “bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam nhấn mạnh tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Việt Nam dứt khoát bác bỏ cái mà Trung Quốc cho rằng họ có lịch sử lâu đời tại Biển Đông, một lần nữa tái khẳng định bằng chứng lịch sử và pháp lý của mình trên vùng biển này.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời tại họp báo thường kỳ chiều 16/7.

Bà Hằng nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông khi trả lời câu hỏi về những dòng đăng tải trên mạng của phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên Twitter, trong đó khẳng định quyền và lợi ích liên quan của Trung Quốc trên biển do lịch sử.

“Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói thêm.

Trước đó, ngày 14/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng một loạt tweet về Biển Đông, bịa đặt trắng trợn rằng người Trung Quốc đã có những hoạt động ở đó cách đây 2.000 năm.

Bà Hoa Xuân Oánh đã nói một cách vô căn cứ rằng Trung Quốc “thu hồi Nam Sa và Tây Sa do bị Nhật chiếm đóng” – đây là tên mà Trung Quốc gọi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều tài liệu và bằng chứng lịch sử đã chứng minh cả 2 quần đảo đều thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam hàng thế kỷ qua.

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 còn một số điểm đảo của Trường Sa cũng bị Bắc Kinh chiếm và xây dựng trái phép.

Bà Xuân Oánh đăng tải loạt tweet chỉ một ngày sau tuyên bố cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông, trong đó, bà cũng lớn tiếng phê phán Mỹ.

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP

Lập trường cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông

Ngày 13/7, lần đầu tiên Mỹ thể hiện chính sách của họ về Biển Đông một cách rõ ràng. Qua đó, Nhà Trắng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết vùng biển này và khẳng định Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi vùng biển này.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý có nguồn gốc từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (không ảnh hưởng đến các quốc gia khác yêu sách chủ quyền đối với các đảo đó). Do đó, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam, Luconia Shoals ngoài khơi Malaysia, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và Natuna Besar ngoài khơi Indonesia.

Thêm nữa, trong cuộc họp báo ngày 15/7, Ngoại trưởng Mỹ quan ngại rằng nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và các quốc gia tự do không làm gì, thì lịch sử cho thấy Trung Quốc sẽ đơn giản ngày càng bành trướng.

Ông khẳng định, tuyên bố của Mỹ sẽ hỗ trợ đáng kể cho các nhà lãnh đạo ASEAN, những người đã kiên định rằng mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải theo cách cậy thế uy hiếp.

Liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Nhà Trắng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương".

Bà Hằng nhấn mạnh: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Sau tuyên bố của Mỹ, một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines, và Indonesia đã lên tiếng, đồng loạt ủng hộ lập trường của Mỹ, hoan nghênh động thái cứng rắn của Nhà Trắng và cho rằng các tranh chấp lãnh hải phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.

Còn báo Nikkei của Nhật cho rằng Chính phủ Mỹ cứng rắn gấp bội khi bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông với cảnh báo chính thức mạnh mẽ rằng Washington có thể đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc vì các hành vi uy hiếp nước khác ở vùng biển này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần