Việt Nam cung cấp cho Bangladesh hơn 1 triệu tấn gạo mỗi năm

Giang Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/5, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của hai Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam đã ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa Việt Nam và Bangladesh.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh Advocate Md Qamrul Islam đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 22 - 25/5/2017.
Ngày 23/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Qamrul Islam - Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề, biện pháp, cách thức phối hợp trong thời gian tới để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại gạo.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ về Thương mại gạo giữa chính phủ hai nước.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và truyền thống với Bangladesh. Hai nước trong thời gian qua đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao cũng như nhiều đoàn doanh nghiệp sang làm việc, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư.
Hai bên cũng đã ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư về hợp tác ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư như: Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ hai nước; Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam - Bangladesh; Thỏa thuận Thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bangladesh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự vui mừng nhận thấy quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước đã và đang có những bước phát triển bền vững, tích cực trong thời gian gần đây. Năm 2016, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 608 triệu USD, tăng 3,1% so với năm 2015.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trao đổi thương mại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và mong muốn của hai bên. Hai nước hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại đối với các sản phẩm mà mỗi bên có lợi thế và có thể bổ sung cho nhau. Ngoài trao đổi thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước cũng có nhiều triển vọng phát triển, nhất là trong lĩnh vực hợp tác chế tạo máy nông nghiệp tại Bangladesh.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Qamrul Islam nhất trí với các ý kiến Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu và cho biết, Chính phủ Bangladesh luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành...
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, chiều 23/5, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của hai Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa chính phủ hai nước.
Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh hơn 1 triệu tấn gạo mỗi năm.
Việc Bangladesh đồng ý ký kết gia hạn MOU về Thương mại gạo để tiếp tục mua gạo của Việt Nam cũng như việc cử Bộ trưởng Bộ Lương thực sang Việt Nam để ký MOU này đã thể hiện việc phía Bạn rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.
MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực từ năm 2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Bangladesh cho biết muốn mua ngay khoảng 250.000 - 300.000 tấn gạo trắng 5% của Việt Nam và sẽ mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.
Được biết, Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ gạo cao, trong khi khả năng tự cung ứng lương thực còn thấp, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai.
Trong bối cảnh ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, việc Chính phủ hai nước ký kết gia hạn được Bản ghi nhớ này trong thời gian 5 năm sẽ giúp ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân yên tâm canh tác.