Việt Nam cần xem lại chuỗi cung ứng để tối đa hóa lợi ích từ CPTPP

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư điều hành của Hãng luật Baker&McKenzie tại Việt Nam, ông Frederick Burke đã trao đổi với Kinh tế & Đô thị về những cách thức để DN Việt Nam tận dụng lợi thế từ CPTPP.

   Theo ông, ý nghĩa của việc ký kết vừa qua và những tiến trình tiếp theo của hiệp định CPTPP là gì?

   - Việc ký kết CPTPP là một trong những bước đi đảm bảo cho các quy tắc toàn cầu dựa trên hệ thống thương mại. Do đó, bất chấp nghi ngờ phát sinh từ việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định, sự đồng thuận mạnh mẽ của quốc tế đã làm giảm rào cản thương mại, tạo cơ hội cho tăng trưởng khu vực và tối đa hóa lợi ích của thương mại toàn cầu. Đây là dấu hiệu cho một trật tự quốc tế ngày càng đa chiều, không bị chi phối bởi một hay một nhóm kinh tế. Sự đồng thuận tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017 cho thấy, toàn cầu hóa là phương tiện tốt nhất để đạt được sự phát triển bền vững cho tất cả thành viên muốn tham gia CPTPP.

Ông Frederick Burke - Luật sư điều hành của Hãng luật Baker&McKenzie tại Việt Nam.

      Để CPTPP chính thức có hiệu lực, 6 trong số 11 thành viên (tương đương ít nhất 50%) phải phê chuẩn thỏa thuận tại cơ quan lập pháp quốc gia của mỗi nước. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ sau đó. Đối với các bên còn lại, hiệp định sẽ có hiệu lực khi họ hoàn tất phê chuẩn. Điều này trái ngược với TPP cũ, trong đó việc Mỹ và Nhật Bản phải phê chuẩn là điều kiện có hiệu lực tiên quyết.

      Hiệp định CPTPP kế thừa từ TPP, mặc dù đã trải qua một số điều chỉnh để cân bằng lợi ích của 11 thành viên sau khi Mỹ rút khỏi. Theo ông, CPTPP hiện tại đem lại lợi ích mới thế nào cho các thành viên, đặc biệt là Việt Nam?

   - Rõ ràng, lợi ích sẽ lớn hơn khi có Mỹ trong thỏa thuận, nhưng thỏa thuận CPTPP mới vẫn sẽ tăng cường sự phát triển cho các thành viên hiện nay. Ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ tăng trưởng ít nhất 1% vào năm 2030 (so với 10% nếu có sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận) nhờ CPTPP. Tuy nhiên, lợi ích thực tế từ CPTPP có thể lớn hơn dự đoán vì kiến ​​trúc của hiệp định mở rộng để các nước khác như Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc có thể tham gia. Đối với Mỹ, các điều khoản của TPP mà quốc gia này “mặc cả” mạnh mẽ nhất đã bị “đình chỉ”, do đó, nếu chọn trở lại trong vòng 5 năm tới, Mỹ sẽ phải tuân theo những điều khoản của CPTPP hiện nay mà không có bất kỳ nhượng bộ mới nào. 

 11 nước thành viên CPTPP sau khi Mỹ rút lui.

      Việt Nam có thể làm gì để tối ưu hóa lợi ích từ thỏa thuận này?

      - CPTPP cung cấp mức thuế suất thấp cho các nhà xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, yêu cầu nguyên vật liệu và các thành phần có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên của Hiệp định. Tuy nhiên, hiện phần lớn nguyên liệu và linh kiện cho hàng hóa Việt Nam lại nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn không phải một thành viên của CPTPP. Do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam muốn tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế mà thỏa thuận này đem lại, cần phải xem xét lại chuỗi cung ứng, chuyển một số giá trị gia tăng vào các nguồn khác.

      Đồng thời, các DN quốc doanh cũng như các DN vừa và nhỏ phải từng bước đổi mới để tận dụng lợi thế của CPTPP và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đối với các DN quốc doanh, cần “cai nghiện” các khoản trợ cấp và khoản hỗ trợ tiềm năng. Trong khi đó, cộng đồng DN vừa và nhỏ cần nâng cao chất lượng quản trị và tuân thủ các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của những khách hàng lớn trên toàn cầu. Cùng với Hiệp định Tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) dự kiến hoàn thành trong năm nay, CPTPP sẽ giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng kinh tế và xã hội đáng kể trong những năm tới.

   Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần