Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam chủ trì xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại khu vực CLV

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Bộ trưởng 3 nước đồng ý với đề xuất giao phía Việt Nam chủ trì xây dựng kế hoạch hành động để triển khai hiệu quả Hiệp định về Xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại khu vực Tam giác Phát triển CLV.

Các đại biểu chúc mừng thành công của hội nghị sau lễ ký biên bản. Ảnh: Phan Minh Hưng/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 10/3, Bộ trưởng ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia chính thức ký Biên bản Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 12 Tam giác Phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia (JCC CLV DTA 12).
Diễn ra từ ngày 7-10/3 tại tỉnh Kratie (Campuchia), JCC CLV DTA 12 được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Thương mại Vương quốc Campuchia Pan Sorasak, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Suphan Keomixay và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Chí Dũng.
Sau hai ngày diễn ra phiên họp của các tiểu ban và cấp chuyên viên, một trong những nội dung quan trọng được nêu rõ trong Biên bản là việc Bộ trưởng ba nước đồng ý với đề xuất giao phía Việt Nam chủ trì xây dựng kế hoạch hành động để triển khai hiệu quả Hiệp định về Xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại khu vực Tam giác Phát triển CLV đã được ký kết ngày 3/11/2016 tại Siem Reap (Campuchia) và xây dựng các kế hoạch, dự án cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030.
Các Bộ trưởng nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực hiện tại của ba nước CLV trong việc đảm bảo an ninh biên giới và giải quyết thỏa đáng các vấn đề an ninh, đặc biệt là vấn đề qua lại biên giới trái phép, buôn bán người và ma túy, nâng cao hiệu quả của “đường dây nóng,” đặc biệt là ở cấp địa phương.
Đại diện ba nước ghi nhận sự cần thiết phải rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác Phát triển CLV giai đoạn 2010-2020 để có bức tranh tổng thể về thực trạng phát triển, cơ hội và thách thức mới cũng như nhu cầu của ba nước trong bối cảnh phát triển mới.
Đặc biệt, liên quan tới lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng ba nước đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển ngành dịch vụ này, phối hợp thu thập thông tin và số liệu để hoàn thành báo cáo tại Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác Phát triển CLV vào tháng 11/2019, cũng như hoàn thiện báo cáo nghiên cứu Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su.
Việt Nam đã được hai nước bạn đề xuất chủ trì quản lý trang thông tin điện tử khu vực Tam giác Phát triển CLV, nâng cấp năng lực lưu trữ thông tin để các cơ quan chức năng ba nước đăng tải lên trang thông tin điện tử này.
Biên bản đã thống nhất Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao lần thứ 11 khu vực Tam giác Phát triển CLV vào cuối năm 2019.
Cho đến nay, Việt Nam đã có 49 dự án đầu tư trong khu vực Tam giác Phát triển thuộc Campuchia với tổng vốn đăng ký là 1,63 tỷ USD. Con số tương tự trên lãnh thổ Lào là 1,97 tỷ USD với 67 dự án.
Trong khi đó, năm tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực Tam giác Phát triển đã thu hút 233 dự án từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD.
Tam giác Phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào và Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập vào năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào Tam giác Phát triển CLV.
Mục tiêu của việc hình thành Tam giác Phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực an ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường...
Việt Nam tham gia rất tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng đối với Tam giác Phát triển CLV. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào các tỉnh của Lào, Campuchia thuộc khu vực Tam giác Phát triển 113 dự án với tổng vốn đăng ký là gần 4 tỷ USD.