Việt Nam có lợi thế trong cách mạng công nghiệp 4.0

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/8, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược kế hoạch hành động cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)”.

 Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, GS Miren Yan chia sẻ, Đài Loan có kế hoạch cụ thể về CMCN 4.0 và có thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng và có tăng trưởng rất tích cực trong những năm gần đây. Đài Loan đã có kế hoạch đưa CMCN 4.0 phát triển đến 2025, với 7 nhóm ưu tiên là CNTT, máy móc, thực phẩm, bán lẻ, dịch vụ, hậu cần cũng như về nông nghiệp. Từ đó, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp trước thay đổi của CMCN 4.0, tập trung sản xuất, mang tính chất dự báo liên tục, kết quả thu được là gì, đồng thời rà soát ngân sách hàng năm để đảm bảo nguồn quỹ phù hợp.
Trong khi đó ông Singmeng - trường Đại học Tổng hợp quốc gia Singapore cho biết, tại Singapore, kiến thức về CNTT được trang bị tới tất cả các DN, người dân, được tiếp cận chương trình đào tạo bài bản và nghiêm túc. Bên cạnh đó, các DN tại đây đều có phòng CNTT riêng để nghiên cứu thúc đẩy quá trình số hóa. “Chính phủ Singapore thành lập cơ quan cấp quốc gia về nghiên cứu và công nghệ (IA) và cơ quan này chia sẻ hành động của mình để vận hành một nền kinh tế thông minh. Cơ quan này cũng giúp các cơ quan khác tận dụng để phát huy theo kịp xu hướng thế giới.

Đánh giá về những thế mạnh của Việt Nam trong CMCN 4.0, các chuyên gia cho rằng lợi thế/thế mạnh của Việt Nam trong CMCN 4.0 là: Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT và Viễn thông. Các diễn giả cũng đề xuất thành lập cơ quan cấp quốc gia về vận hành nền kinh tế thông minh.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, DN Việt Nam có thể bắt kịp đoàn tàu 4.0 hay không là do Chính phủ quyết định hay nói cách khác là do thể chế, luật pháp quyết định. Ông Cung cũng cho rằng, yếu tố chủ chốt trong cuộc CMCN 4.0 là xây dựng chiến lược chuyển đổi số và Việt Nam cần triển khai các lĩnh vực đột phá. Đó là cải cách thể chế, đẩy mạnh Chính phủ số; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh DN và khu vực tư nhân, chính là phát triển hệ sinh thái start up, quản trị thông minh, hạ tầng thông minh…; đổi mới sáng tạo, cần tập trung vào cải cách giáo dục, phát triển nhân lực số; đô thị hoá – vấn đề về đô thị thông minh…