Việt Nam có thể xây dựng sản phẩm thay thế Facebook, Google trong 5-7 năm tới

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết như vậy trong phiên chất vấn chiều 17/11.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đặt câu hỏi về việc mạng xã hội nước ngoài không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả cũng như biện pháp thời gian tới trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc từ mạng xã hội nước ngoài. Bộ có chính sách ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp trong nước xây dựng mạng xã hội hay không?
 , Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, Facebook và Google hiện đang là mạng xã hội lớn nhất thế giới, quản lý và cạnh tranh với họ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của toàn cầu. Trung Quốc, Hàn Quốc, Hàn Quốc có mạng riêng, còn tất cả đều lệ thuộc vào 2 mạng này.
“Chúng ta đã có những trang được kỳ vọng thay thế như Bamboo, Xalo, nhưng đã không thể tồn tại. Hiện nay chỉ có Yingme của VNG nhưng đang tụt hậu dần nên họ đã chuyển sang Zalo, nhưng vẫn thua 2 mạng kia”.
Từ thực tế đó, nếu có thể thí điểm để triển khai với điều kiện ưu tiên về thuế, chính sách tài chính,… từ đó mới có thể hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh của Việt Nam, từ đó mới có cơ sở tin tưởng rằng Việt Nam có thể xây dựng những sản phẩm có thể thay thế trong 5-7 năm tới.
“Để làm được phải thực hiện mô hình 4 nhà: Nhà mạng viễn thông hỗ trợ, nhà mạng xã hội trong nước vươn lên, nhà quảng cáo tập trung quảng cáo, nhà phát triển nội dung trong nước. Thì lúc đó mới hy vọng hình thành hệ sinh thái số, nhưng rất khó vì thói quen người dùng đã quen với 2 mạng này”, Bộ trưởng cho biết.

Việc Mobifone mua cổ phần AVG đang được thanh tra

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) gửi tới Bộ trưởng 3 câu hỏi liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với hoạt động tổ chức dịch vụ truyền thông của một doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn chủ sở hữu là nhà nước ở Tổng công ty Mobile phone trong vụ chuyển nhượng cổ phần nghe nhìn toàn cầu trên giao dịch AVG.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Một là từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobile phone sử dụng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG. Hai là giá trị đích thực trong vụ giao dịch chuyển nhượng này là bao nhiêu? Ba là từ khi mua AVG về MobiFone thì hoạt động của AVG ra sao, hiệu quả của nó có tương xứng với đồng vốn bỏ ra không? 

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân về việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Chủ tịch Quốc hội nói đây là vấn đề đang được thanh tra, do vậy phải "chờ khi nào có kết luận thanh tra mới có cơ sở để báo cáo". Theo đó, chất vấn của đại biểu sẽ chưa được Bộ trưởng Thông tin Truyền thông trả lời trực tiếp trên Hội trường.

Là đại biểu tiếp theo chất vấn về việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đây là vấn đề rất được dư luận rất quan tâm, mong Bộ trưởng sớm có câu trả lời.

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tranh tra nội dung trên từ tháng 9/2016 đến nay, hiện Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm đi tới kết luận cuối cùng, với định hướng là bảo toàn giá trị doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng.

Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông cũng có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. Đến nay Bộ chưa nhận được kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình.

Nước ta không có chế độ kiểm duyệt báo chí

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, bên cạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm một việc rất quan trọng là làm thế nào để động viên báo chí, phóng viên nâng cao vai trò của mình, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và xã hội tốt đẹp.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết bộ đã có chiến lược, kế hoạch cũng như giải pháp cụ thể nào để nâng cao vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như góp phần xây dựng một xã hội minh bạch, dân chủ, nơi người dân cũng như nhóm yếu thế có tiếng nói để bảo vệ mình?", đại biểu nêu câu hỏi.

Vấn đề thứ hai, dư luận rất quan tâm đến tình trạng lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do dân chủ để có hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước và lợi ích chính đáng của công dân. "Theo Bộ trưởng tình trạng này có nghiêm trọng không, giải pháp của Bộ là gì?".

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, dư luận đang băn khoăn việc lợi dụng tự do báo chí để làm tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, trong những năm qua báo chí đã có những đóng góp xứng đáng trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Luật pháp nước ta không cho phép báo chí tư nhân, các thế lực thù địch ở nước ngoài cho rằng như vậy là không có tự do ngôn luận mà chỉ có báo chí quốc doanh, viết bài theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo.

"Chúng ta có báo Đảng, báo của các tổ chức, cơ quan, không chỉ có các nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có thể viết bài cho các báo. Bộ TT&TT có nhiệm vụ quản lý nhà nước, Ban Tuyên giáo có chức năng nhiệm vụ định hướng báo chí. Khẳng định là nước ta không có chế độ kiểm duyệt báo chí", Bộ trưởng nhấn mạnh.

  Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận)

Theo Bộ tưởng, việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích quốc gia là trường hợp thiếu sự kiểm soát, đưa tin sai sự thật, thật giả lẫn lộn, bới móc đời tư, giật gân câu khách, mô tả tội ác một cách rùng rợn… là có thật.

Thậm chí cả vấn đề lịch sử, việc trao đổi quan điểm khác nhau là bình thường nhưng cũng có người lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc lịch sử. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đã rà lại hệ thống pháp luật có liên quan, các chế tài vi phạm cần đủ mạnh để ngăn ngừa và răn đe.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Trả lời chất vấn về nội dung những chương trình truyền hình chưa phù hợp với trẻ em, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, môi trường internet là môi trường mở, là kho tri thức khổng lồ của nhân loại, cung cấp các phương tiện giải trí về nội dung, giúp trẻ em học tập, giao lưu, kết bạn, giải trí. Về tác động tiêu cực, khi internet càng phát triển, phản ánh càng đầy đủ một xã hội ảo, nhất là những hành vi vi phạm pháp luật tinh vi hơn, phức tạp hơn.

Nhiều nội dung rất đáng báo động đối với trẻ em như dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, trong khi trẻ em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để ngăn ngừa tác động. Những tác động này gây tổn thương đến sức khỏe tâm lý của trẻ em, lợi dụng các trang mạng xã hội, các diễn đàn để kích động trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, cả buôn bán trẻ em.

Bộ đang tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển internet lành mạnh, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, xây dựng chính sách khuyến khích việc phát triển các dịch vụ nội dung cho trẻ em, thu hút người dùng Việt Nam nhất là ở độ tuổi vị thành niên. Về chương trình cho thiếu nhi, hiện nay các Đài truyền hình đều dành thời lượng cho trẻ em. Một số chương trình truyền hình chưa phù hợp với trẻ em, hiện nay trên thế giới cũng có những chương trình họ khuyến cáo trẻ em không xem. 

 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Hoàn thiện lại đề án quy hoạch báo chí

Về việc triển khai đề án quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua nhiều cơ quan chủ quản đã tích cực triển khai. Với Bộ Thông tin Truyền thông, từ 8 cơ quan báo chí giảm về còn 3 (2 báo, một tạp chí). Theo quy hoạch, cấp Bộ chỉ có một báo, một tạp chí và hiện đang sắp xếp lại.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đề án trên cũng sẽ tính tới yếu tố đặc thù, nhất là với các cơ quan báo chí có lượng độc giả đông.

Vừa qua, cấp có thẩm quyền đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm chỉnh sửa đề án trên theo hướng quy hoạch phù hợp với Luật báo chí. "Chúng tôi đã hoàn thiện lại và trình Thủ tướng trên cơ sở chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng", ông nói.

Định hướng quy hoạch báo chí sẽ đánh giá theo tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan; giảm số lương cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả, có nhiều sai phạm...

 Thông tin trên báo chí đáng tin hơn mạng xã hội

Về câu hỏi thông tin mạng xã hội lấn át báo chí, Bộ trưởng cho rằng, nhìn tổng thể, đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn mạng xã hội, người ta lấy thông tin báo chí để khẳng định đúng chứ không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định.Mạng xã hội có tác động như vậy nhưng phải khẳng định thông tin trên báo chí đáng tin cậy hơn.

Hầu hết các nước đều gặp phải tình trạng mạng xã hội lấn lướt báo chí, luật pháp của họ có đủ để xử lý. Đó là kinh nghiệm các chuyên gia của ta cần nguyên cứu.

Trong lúc ta đang hoàn thiện luật, không khỏi lúng túng khi xử lý vấn đề. Luật Báo chí 2016 có quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân nhưng thông tin trên mạng xã hội có nhiều yếu tố không khác với báo chí nhưng không được điều chỉnh từ luật Báo chí khiến cho việc quản lý nhà nước về những vấn đề liên quan mạng xã hội lúng túng. Đó là một thực tế mà chúng tôi không né tránh. Đó cũng là rủi ro chúng ta cần khắc phục đồng bộ bằng nhiều giải pháp.

Trước mắt, cần nhận thức rõ luật chưa hoàn chỉnh nhưng có cơ sở để xử lý điều chỉnh những hành vi vi phạm trên mạng xã hội đối với những trường hợp người dùng rõ danh tính, có địa chỉ thật. Bộ luật Hình sự, Dân sự đều có quy định và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc khởi kiện ra toà.

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp có danh tính người dùng nhưng không truy cứu trách nhiệm được, đó là câu hỏi đặt ra với các cơ quan chức năng và những người bị ảnh hưởng đòi lại sự công bằng của mình.

Có tình trạng cùng vi phạm người này bị xử lý nhưng người khác không bị xử lý dẫn đến đồn đoán người này được bảo kê, người kia bị xử lý. Vấn đề không phải là luật mà là thực thi pháp luật công bằng liên quan vi phạm trên mạng xã hội.

Đối với việc dùng mạng xã hội nặc danh, chúng tôi hợp tác các nhà mạng tuân thủ các quy định pháp luật và luật pháp quốc tế. Bước đầu khả quan, gỡ 5.000 video xấu độc trên Youtube. Họ nói mỗi 1 phút trôi qua, thời lượng clip tung lên mạng là 48 giờ, nên họ không kiểm soát được nên chúng ta phát hiện có vấn đề gì chuyển cho họ, họ sẽ xử lý.

bộ cũng đang làm việc tiếp với Youtube để có bộ lọc trên mạng để có gì xoá ngay. Tuy nhiên lượng video đưa lên là rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý. Quá trình làm việc với Goolge, Youtube, Bộ TT&TT nhận được sự hợp tác tốt hơn so với Facebook.

Thứ 3 là rà soát hệ thống pháp luật, nhất là các biện pháp chế tài đủ điều chỉnh hành vi trên mạng xã hội. Ban hành văn bản pháp luật mới điều chỉnh riêng trường hợp này lấy kinh nghiệm từ các nước, đảm bảo thực hiện nghiêm về tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng đúng theo luật pháp của Việt Nam.