Việt Nam có thêm 2 doanh nhân trong danh sách tỷ phú thế giới của Fobes

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 5/3/2019, Tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thường niên.

 
Năm 2018, danh sách tỷ phú Việt Nam là 4 người. Năm nay 2 cái tên được bổ sung vào danh sách trên là ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank); và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan). Trong khi đó, ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) đã không giữ được vị trí của mình, do vậy danh sách tỷ phú người Việt 2019 của Fobes gồm 5 người.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) đứng đầu với khối tài sản trị giá 6,6 tỷ USD (số 239 thế giới), số liệu chốt đến ngày 8/2/2019; bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng giám đốc VietJet) đứng thứ 2 với 2,3 tỷ USD (thứ 1008 thế giới); ông Hồ Hùng Anh có 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1349 thế giới; ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) ở vị trí thứ 4 cùng với 1,7 tỷ USD (cùng vị trí 1349 thế giới), xếp cuối là ông Nguyễn Đăng Quang, có 1,3 tỷ USD và đứng thứ 1717 thế giới.
Đây là năm thứ 33 Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới, và là lần thứ 7 liên tiếp người đứng đầu Tập đoàn Vingroup có tên trong danh sách. Với bà Nguyễn Thị Phương Thảo là lần thứ 3 liên tiếp; ông Trần Bá Dương là lần thứ 2 liên tiếp.
Về 2 tỷ phú mới có trong danh sách năm nay, Forbes cho biết cả 2 từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Cả 2 đều là tỷ phú tự thân có 3 con. Cả Masan và Techcombank đều là các định chế lớn tại Việt Nam, lọt top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh với vốn hóa 100 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, từng học tập và sinh sống ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.
Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Đến năm 2002, nước tương Chin-su ra đời, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về quê nhà.
Năm 2003 Masan tiếp tục cho ra mắt nước mắm Chin-su; năm 2007 chinh phục thị trường bằng sản phẩm Omachi. Năm 2015, Masan hợp tác với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan, đưa các sản phẩm của hãng vươn ra thị trường Đông Nam Á.
Ngoài việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch HĐQT của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004 - 2005, là Phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank.
Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan, Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí Phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần