Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo, kỹ càng để gia nhập Công ước số 105 của ILO

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ý kiến của đại biểu tham gia kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước...

Chiều ngày 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan chuyên môn về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
 Toàn cảnh Phiên họp
Các ý kiến của đại biểu nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO. Đồng thời, trong thời gian qua hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam.
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Đỗ Văn Bình- Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, tuy nhiên để đảm bảo việc thực thi Công ước, đại biểu đề nghị việc tổ chức thực thi cần phải xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể, tập trung đào tạo nâng cao năng lực lao động; xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát để Công ước được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Cho ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhất trí với sự cần thiết và tính tương thích của pháp luật Việt Nam khi tham gia Công ước này. Việc tham gia Công ước còn khẳng định Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết; nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn đề cao quyền con người; góp phần hạn chế các xung đột xã hội.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình một số nội dung liên quan đến việc gia nhạp Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình về một số nội dung liên quan đến việc gia nhâp Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong suốt thời gian qua, để chuẩn bị thấu đáo cho việc trình việc Công ước ra Quốc hội lần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát toàn bộ cơ sở pháp lý và lấy ý kiến của các bộ ngành, tổ chức liên quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ; sự tương thích đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, hiện nay Việt Nam không có văn bản pháp luật nào trái với nội dung Công ước 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Công ước 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức là một Công ước văn minh và tiến bộ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, và thực hiện chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận lao động cưỡng bức.

Về vấn đề lao động của phạm nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của của Công ước 105 mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 29. Trong Công ước 29, trường hợp lao động của phạm nhân lại được coi là trường hợp ngoại lệ, không phải là lao động cưỡng bức.

Cụ thể, Công ước số 29 quy định về một số trường hợp ngoại lệ, mặc dù về hình thức có thể có một số dấu hiệu của lao động cưỡng bức, song không bị coi là lao động cưỡng bức: Lao động của phạm nhân, lao động của học viên cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, lao động của học sinh trong trường giáo dưỡng thuộc các trường hợp ngoại lệ này của Công ước số 29.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp hôm nay và Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cấp, từng ngành để tổ chức thực hiện.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; khẳng định Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng; tiếp tục tôn trọng và đảm bảo các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động. Sau Phiên họp, đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết để báo cáo, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần