Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

‘Việt Nam đang là thị trường có tiềm năng nhất châu Á’

Theo VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, tiêu dùng bình quân đầu người liên tục gia tăng, tình hình chính trị-xã hội ổn định, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

 Ông Hiroyki Ono trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Báo điện tử VietnamPlus đã trao đổi cùng ông Hiroyki Ono, Đối tác Quỹ đầu tư ACA – Nhật Bản, người có 6 năm kinh nghiệm làm việc tại khu vực châu Á, bao gồm cả thị trường Việt Nam, về quan điểm của nhà đầu tư nước đối với những cơ hội và tiềm năng của kinh tế Việt Nam.
- Thưa ông,dòng vốn đầu tư nước ngoài đang gia tăng, theo Tổng cục Thống kê - Việt Nam, vốn ngoại thực hiện trong năm qua đạt 17,5 tỷ USD. Tại thời điểm tháng đầu tiên của năm mới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đã lên tới 1 tỷ USD đồng thời vốn đầu tư gián tiếp tăng cao, đạt 356 triệu USD (tăng 54,7% so với cùng kỳ). Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?
Ông Hiroyki Ono: các thông tin cơ bản về Việt Nam, như tốc độ tăng trưởng GDP liên tục trong rất nhiều năm giữ ở mức cao, đạt trên, dưới 6%/năm và được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường rất tiềm năng.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh, mức tiêu dùng bình quân đầu người đang tăng trưởng rất tốt, tăng đến 5 lần nếu so sánh 10 năm trước đây. Thu nhập người dân có được nhờ vào sự tăng trưởng của các chuỗi cung ứng trên thị trường. Đứng góc độ này có thể nói, “Việt Nam đang là một trong những thị trường có tiềm năng nhất ở châu Á.”
Tất cả chúng ta đều đang thấy một xu thế rất rõ ràng, bên cạnh những nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam. Một điểm nhấn là lĩnh vực cung cấp hàng tiêu dùng, một số tập đoàn bán lẻ Nhật bắt đầu triển khai các chuỗi cửa hàng, các chuỗi cung ứng tại Việt Nam,mục tiêu nhắm vào các đối tượng của thị trường bán lẻ.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, nếu như trước đây Thái Lan và Indonesia đứng ở vị trí dẫn đầu thì nay Việt Nam đã vượt qua hai quốc gia này để trở thành điểm hấp dẫn đầu tư lớn nhất.
Giai đoạn này, rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản muốn mở rộng thị trường, xây dựng nhà máy hay mở chuỗi cửa hàng tại Việt Nam.
Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có xu hướng và mục tiêu liên kết với doanh nghiệp của Việt Nam trong phát triển kinh doanh và đầu tư.
 Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)
- Là đối tác có nhiều kinh nghiệm của các quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông có thể chỉ ra những vấn đề và giải pháp thúc đẩy quá trình liên kết kinh doanh giữa các bên được nhanh chóng, hiệu quả?
Ông Hiroyki Ono: Các doanh nghiệp Việt Nam ấn tượng tốt và đánh giá doanh nghiệp Nhật Bản rất lịch sự, cẩn thận, đáng tin tưởng để có thể làm một trong những đối tác lâu dài.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như các áp lực và yêu cầu rất cao, do đó quá trình làm việc đòi hỏi rất tỉ mỉ, chi tiết. Các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện khảo sát và tìm hiểu thông tin rất lâu. Vấn đề đặt ra là không biết bao giờ họ mới tìm hiểu xong để có thể liên kết được.
Hơn thế, các doanh nghiệp Nhật Bản đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, họ càng đòi hỏi các đối tác liên kết cao hơn, về những vấn đề liên quan đến quản trị, kiến thức vận hành, giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
Việc Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn, khiến doanh nghiệp Nhật Bản chủ động trong việc tìm kiếm đối tác và liên kết với doanh nghiệp Việt Nam. Song trên thực tế, những thủ tục để hai bên tìm hiểu nhau lại rất phức tạp. Nhưng, chỉ khi các bên thực hiện được điều này thì mới đủ điều kiện đảm bảo cho các doanh nghiệp hợp tác và liên kết với nhau.
- Thưa ông, các quỹ đầu tư có vai trò như thế nào trong việc giải quyết các các vướng mắc và trở ngại cả hai phía?
Ông Hiroyki Ono: Quá trình tìm hiểu đầu tiên, hai bên doanh nghiệp phải trao đổi về định hướng chiến lược của mình. Nếu khâu này được chấp nhận, họ sẽ đi vào đàm phán chi tiết, các nội dung quản trị và giám sát doanh nghiệp.
Do đó, mỗi doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư và liên kết với một doanh nghiệp Việt Nam, họ thường sử dụng vai trò của các quỹ đầu tư trong việc giám sát, để quá trình thực hiện xảy ra một cách quy củ.
Dưới góc độ của doanh nghiệp Nhật Bản, các đơn vị tư vấn đưa ra những đề xuất ban đầu về thiết lập cơ chếtìm hiểu doanh nghiệp,mọi hoạt động giám sát sẽ phải thông qua luật sư, sau đó làtrình đến cơ chế phối hợp để liên kết đạt được đồng thuận một cách tốt nhất.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, họ đánh giá cao khả năng quản trị doanh nghiệp của Nhật bản, vì vậy đơn vị tư vấn đầu tư sẽ là trung gianliên kết với doanh nghiệp hai bên để đảm bảo những yếu tố này.
Một lộ trình mở rộng kinh doanh, giai đoạn mất thời gian nhất là thu thập thông tin, tìm hiểu, nghiên cứu đối tác… để có thể đưa ra một chiến lược hay triển vọng, nếu bước này thông qua các đơn vị tư vấn hay các quỹ thì có thể tích kiệm nhiều thời gian cho doanh nghiệp.
- Cụ thể, Quỹ đầu tư ACA đã tham gia đầu tư và đóng góp những phần việc gì trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Hiroyki Ono: Tại thị trường Việt Nam, ACA đang đầu tư vào bốn công ty, bao gồm Tổng công ty Kỹ thuật Việt Thanh (cung cấp dịch vụ cáp CATV), Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Cát Đông (thương mại điện tử - Cungmua.com; Nhommua.com), Công ty cổ phần Đầu tư BBM (Chuỗi bán lẻ cho mẹ và em bé – Bibo Mart), Tổng công ty Bất động sản Sơn Kim (Sonkimland).
Hiện nay, cả bốn công ty trên đều ở giai đoạn hỗ trợ ban đầu, ACA tham gia vào hội đồng quản trị, hội đồng thành viên nhằm giúp các doanh nghiệp có những bước cải thiện trong kinh doanh, quản trị phù hợp với nhà đầu tư phía Nhật Bản.
Bên cạnh quá trình đó, ACA cũng xem xét khả năng đầu tư về mặt chiến lược của các doanh nghiệp này, có thể hội nhập về văn hóa, quốc tế… thông thường quá trình đánh giá này sẽ mất khoảng từ 2 năm - 3 năm.
Việc tham gia vào hội đồng quản trị của doanh nghiệp, ACA hỗ trợ họ trong quá trình vận hành kinh doanh đồng thời tạo ra những liên kết với các doanh nghiệp của Nhật Bản.
​Trân trọng cảm ơn ông.