Việt Nam đạt kết quả to lớn trong giảm nghèo: Cốt lõi vẫn là chất lượng tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo về giảm nghèo, trong đó đánh giá Việt Nam đã đạt kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Số hộ nghèo giảm diễn ra ở mọi tầng lớp và tại các khu vực từ thành thị tới nông thôn.

 Hộ nghèo và đối tượng chính sách xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội. Ảnh : Trần Việt
Tỷ lệ nghèo giảm nhờ GDP tăng
Cụ thể, trong báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” của WB đã khẳng định, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống còn 20,7% năm 2012 và dưới 10% vào năm 2016. Đây là mức giảm cao hơn mức giảm mục tiêu trong các chương trình mục tiêu quốc gia (NTP), tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm 13% giai đoạn 2014 - 2016, mức giảm cao nhất trong các năm gần đây với tỷ lệ nghèo nói chung giảm xuống dưới 10% vào năm 2016.

“Rõ ràng đây là tín hiệu rất tích cực. Xu hướng giảm ở mọi vùng, cả thành thị và nông thôn” - ông Ober Pimhidzai - Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB cho biết. Nguyên nhân giảm nghèo chủ yếu là nhờ tăng trưởng cao với tỷ lệ hàng năm 6,7% và nhóm người tiêu dùng đang gia tăng cũng làm chuyển dịch xu hướng.
Báo cáo ghi nhận hiện nay 70% người dân Việt được xếp vào nhóm tiêu dùng mới nổi (tiêu dùng đầu người trên 5,5 USD/ngày), trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh, tăng hơn 20% giai đoạn 2010 – 2017. Sự gia tăng của lớp người tiêu dùng làm thay đổi nguyện vọng của xã hội, cải thiện mạnh chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên báo cáo nhấn mạnh, bất bình đẳng giảm nghèo trong năm 2016 đã cao hơn so với 2014. “Nếu không có sự bất bình đẳng tăng, tỷ lệ giảm nghèo sẽ giảm đi thêm 1,1 điểm phần trăm nữa trong giai đoạn 2014 - 2016”.

Việt Nam vẫn còn 9 triệu người nghèo (hơn tổng dân số Lào và hơn 1/2 dân số Campuchia), 72% trong số này là dân tộc thiểu số đang làm nông. Chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng đang góp phần làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội.
Cũng theo báo cáo này, với mức độ đô thị hóa nhanh, nghèo đô thị cũng trở thành thách thức mới ở Việt Nam. Số dân nông thôn di cư ra thành thị để làm việc trong khu vực tư nhân và dịch vụ đang tăng, chủ yếu là công việc không chính thức và không có những phúc lợi về an sinh xã hội hoặc việc làm, như bảo hiểm y tế và lương hưu.

Tăng năng suất lao động, thu nhập từ việc làm

Ông Osma Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tiến hành những biện pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai. Người dân không chỉ quan tâm hôm nay ăn gì, mà quan tâm đến chất lượng sống, khả năng tiếp cận những dịch vụ căn bản như giáo dục, y tế, nhà ở… Các chính sách tăng trưởng bao trùm đưa ra là tăng cường cung cấp và tăng cường dịch vụ công, ví dụ nhà ở, cấp nước, vệ sinh môi trường.

Nói đến các yếu tố góp phần giảm nghèo, theo ông Ousmane, việc làm là nền tảng cho phát triển. Cần tăng năng suất lao động và đầu tư vào hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương, mà không giảm khả năng cạnh tranh; thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng chia sẻ, quan trọng là phải khiến tăng trưởng mang lại lợi ích cho mọi nhóm người dân, bằng cách mở rộng đầu tư và tăng năng suất lao động. Việt Nam cần đưa sản xuất lên cao hơn trên chuỗi giá trị và thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh để chuyển dòng lao động vào những ngành này.
Điều này có thể đạt được bằng cách: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI vào các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp có giá trị cao hơn; Hỗ trợ tăng trưởng của các DN tư nhân nhỏ và vừa trong nước thông qua việc nâng cấp thông tin và kỹ năng để liên kết với các tập đoàn đa quốc gia; Tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ vận tải, điện, hậu cần và viễn thông theo kịp với nhu cầu cao của khu vực xuất khẩu và tạo môi trường thuận lợi cho Việt Nam cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị hoặc chuyển sang các ngành có giá trị tăng cao.
Năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp. Nếu không tăng năng suất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại. Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu, dính bẫy thu nhập trung bình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Ober Pimhidzai - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, WB
Nên thành lập các trung tâm đào tạo và các đơn vị nghiên cứu và phát triển cho công nghệ nông nghiệp tiên tiến; có cơ chế khuyến khích và trợ cấp công nghệ nông nghiệp mới; phát triển nông nghiệp chính xác, tự động hóa; xây dựng các dự án tích hợp quy mô lớn tầm cỡ khu vực về nông nghiệp.

Ông Phạm Đức Dương - Vụ Thống kê xã hội và Môi trường, Tổng cục Thống kê
Theo tính toán, để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,85%/năm trong 3 năm tới, hay mục tiêu 6,5-7% giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng năng suất phải nhanh hơn nữa, trong đó tăng năng suất lao động phải đạt bình quân 6% so với 4,6% giai đoạn 2011 - 2015 và 5,5% giai đoạn 2014 - 2016. Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động phải tăng thêm 26% so với giai đoạn 2011 - 2017 và khoảng 10% so với giai đoạn 2014 - 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần