Việt - Đức tăng cường phối hợp chính sách giữa G20 và APEC

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa 16/2, giờ địa phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại Bonn, Đức.

Về quan hệ song phương, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
 Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel.
Hiện nay Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Sigmar Gabriel nhất trí sẽ chỉ đạo hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất hơn nữa, nhất là về thương mại, đầu tư, giáo dục, lao động, dạy nghề, du lịch, công nghệ…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị phía Đức thúc đẩy EU hoàn tất rà soát pháp lý để sớm ký kết Hiệp định EVFTA trong năm 2017, công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam cùng thời điểm ký EVFTA.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Đức mời Việt Nam với tư cách nước chủ nhà APEC 2017 tham dự các hội nghị Nhóm G20 trong năm nay. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng mời Đức với tư cách là Chủ tịch G20 tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Hai bên nhất trí cho rằng, nghị trình và các ưu tiên của G20 và APEC năm nay có nhiều điểm tương đồng, do đó việc tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách giữa G20 và APEC là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển bền vững, liên kết và tự do hóa thương mại.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc tăng cường phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức khu vực, quốc tế và Liên Hợp quốc (LHQ). Phó Thủ tướng đề nghị Đức và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần tích cực bảo đảm tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần