Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ đô thị hóa

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, đứng đầu tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta có một hệ thống đô thị rất lớn.

Các chuyên gia đầu ngành sẽ trực tiếp tham gia vào công tác đào tạo trong chương trình
Dự báo sẽ có 50% dân số Việt Nam sẽ sống tại đô thị vào những năm 40 của thế kỷ XXI. Như vậy, chúng ta rất cần một đội ngũ cán bộ quản lý đô thị để đáp ứng với sự phát triển này. Đây là chia sẻ của Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tại Lễ ra mắt Chương trình đào tạo Thạc sĩ liên ngành Quản lý phát triển đô thị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 14/6.
Tính đến hết tháng 5/2018, Việt Nam có 813 đô thị các loại, bao gồm cả các đô thị đặc biệt là khu kinh tế, khu công nghiệp… Những thách thức về sử dụng tài nguyên, dân số, môi trường, kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa… đòi hỏi việc quản lí đô thị phải được tiếp cận một cách toàn diện và hệ thống.
Tuy nhiên, quá trình quản lý đô thị mới chỉ được nhìn nhận ở từng góc độ riêng lẻ như quy hoạch, quản lý hạ tầng… mà chưa nhìn nhận đô thị như một thực thể thống nhất về không gian, luôn vận động và phát triển. Điều này dẫn đến yêu cầu cấp bách về một nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tư duy hệ thống, được trang bị các phương pháp, công cụ mới trong việc quản lý đô thị.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư cho biết, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, bắt buộc chúng ta phải có đội ngũ nhân lực quản lý đô thị không chỉ chuyên về kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng, môi trường… nữa mà chung ta cần đội ngũ nhân lực, mà ở đó họ được trang bị tầm nhìn chiến lược, các công cụ hoạch định cũng như chiến lược phát triển và họ được trải qua một quá trình đào tạo, lấy nền tảng của liên hành và nền tảng của thực hành làm chính.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã hình thành vùng “siêu đô thị” với mục đích tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam đô thị cũng đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm các đô thị đóng góp tới 70% GDP của cả nước.

Công tác quản lý đô thị của Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn còn nhiều hạn chế do các cán bộ quán lý đô thị chưa được đào tạo kiến thức liên ngành. Đại học Quốc gia Hà Nội có đầy đủ các ngành khoa học trong hệ thống đào tạo, là cơ sở để đưa các chương trình đào tạo liên ngành vào thực tế. Chương trình đào tạo cán bộ liên ngành quản lý đô thị được đánh giá cao bởi tính thực tế và nhu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển đô thị hiện nay.

“Đây là chương trình mới mẻ dựa trên nền tảng phát triển khoa học lãnh thổ mà ở đó là sự tập hợp trí tuệ của các chuyên gia gạo cội trong lĩnh vực của mình để cùng nhau đưa ra những góp ý, những giải pháp cho những vấn đề của đô thị một cách toàn diện, đáp ứng đòi hỏi của đô thị là yêu cầu phát triển từ chất lượng chứ không còn là đi từ số lượng. Đi vào chiều sâu của đô thị để có được những đô thị có thể được đo bằng các chất lượng và tiện ích”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục nói.

Chương trình được tổ chức theo cấu trúc modun, bao gồm các học phần liên quan đến dân cư - xã hội đô thị, kinh tế đô thị, môi trường đô thị, luật, chính sách, quy hoạch, xây dựng... Đi kèm với việc học kiến thức chuyên môn, người học còn có cơ hội thực hiện các đồ án thực tế tại các địa phương dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Cũng trong buổi Lễ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết văn bản hợp tác đào tào ngành quản lý đô thị với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần