Việt Nam - "Giải độc đắc" mùa Covid-19 của người đàn ông Anh quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cuộc sống đã trở lại bình thường. Tắc đường thậm chí trông thật huy hoàng, ngay cả ngày 40 độ C cũng được... Tôi cảm thấy như gia đình mình đã trúng giải độc đắc khi ở lại Việt Nam trong mùa dịch", Steve Jackson - công dân Anh sống tại Hà Nội - ca ngợi thành công chống dịch của Việt Nam trên diễn đàn Medium.

* Lược dịch bài viết của ông Steve Jackson đăng tải trên trang Medium hôm 21/6:
Ngạc nhiên vì 2 bức hình tương phản
Một người bạn của tôi có mẹ già sống tại Anh. Cô ấy nhắn tin cho tôi kể về những "cái chết từ từ" đang ảnh hưởng đến mọi người thế nào khi dịch Covid-19 lây lan mạnh.
Cô ấy nói với tôi rằng mình đã phải rất vất vả chống chọi lại với những ảnh hưởng của đại dịch này. Tôi phải thừa nhận rằng bản thân cũng mất ngủ vì những gì đã diễn ra. Thậm chí những điều nhỏ nhoi nhất cũng có thể khiến tôi xúc động trong mùa dịch Covid-19. Tôi chẳng thể nghĩ về tương lai quá xa bởi dường như mọi thứ đang vô cùng tăm tối khi dịch bùng phát.
Sau Vũ Hán, tình hình cũng diễn biến nhanh ở Việt Nam. Nhà trẻ của con tôi đóng cửa. Đeo khẩu trang trở thành bắt buộc. Ở đâu cũng nghe thấy truy tìm người tiếp xúc. Một ứng dụng được tạo ra để chống dịch, với chỉ vài bấm thôi là nhân viên mặc đồ bảo hộ sẽ tới nhà bạn.
Trong khi Việt Nam khẩn trương chống dịch như vậy thì tình hình dịch bệnh tại châu Âu dần mất kiểm soát. Hàng trăm người chết mỗi ngày tại ổ dịch Italia, trong khi tại Anh, Chính phủ vẫn từ chối những biện pháp cách ly mạnh mẽ.
Chính tại thời điểm này, điều kỳ diệu đã xảy ra tại Việt Nam. Những người nước ngoài như chúng tôi sống tại đây bắt đầu nhận ra được có vô vàn anh hùng thầm lặng tại đây đang sống và chiến đấu cùng nhân dân.
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên với 2 bức hình tương phản, một là các chiến sĩ ngủ trên sàn xi-măng, hai là các thanh niên Việt Nam từ nước ngoài về được ngồi nói chuyện với nhau trên những chiếc giường tầng đáng lẽ thuộc về những người lính.
Những người lính Việt Nam đã nhường giường của họ làm khu cách ly cho nhân dân, thậm chí làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh và nấu ăn cho những người cách ly. Họ phục vụ nhân dân, cố gắng hết sức để giữ mạng sống cho mọi người, với hàng chục nghìn người trên cả nước cần cách ly tại thời điểm cao trào.
Rồi một cô gái nhiễm virus bay về từ châu Âu. Khi cô ấy nhập viện, cả con phố nơi cô ấy sống bị đóng cửa. Truyền thông và mạng xã hội Việt Nam như bùng nổ.
Tất cả những điều này làm nên sự khác biệt cho Việt Nam. Vào thời bình, những động thái mạnh tay này có thể được cho là thái quá, nhưng khi dịch bệnh diễn ra, chính những hành động quyết liệt này lại cho thấy Chính phủ Việt Nam coi trọng từng mạng sống của người dân.
Lo sợ và niềm vui vỡ òa
Hàng nghìn người Việt ở nước ngoài vẫn hồi hương mỗi ngày. Tất cả họ đều bị cách ly kiểm tra và ai cũng hiểu đây là điều cần thiết. Nếu bạn là một người đàn ông da trắng đứng tuổi, có lẽ bạn sẽ khó hiểu với những gì diễn ra ở Việt Nam lúc đó.
Khi dịch bệnh bắt đầu, chúng tôi đã nghĩ rằng Việt Nam chẳng có đủ máy thở cho mọi người. Chúng tôi đã chắc chắn rằng quốc gia này sẽ khốn đốn vì đại dịch. Ít nhất thì Anh cũng phát triển hơn. Tôi đắn đo chuyện có nên về nước hay không?
Khi một bệnh viện ở Hà Nội trở thành ổ dịch, với số ca nhiễm tăng liên tục và Chính phủ Việt Nam đã mất rất nhiều công sức cho việc dọn dẹp, truy tìm cũng như cách ly bệnh nhân cùng người tiếp xúc nguồn lây. Chúng tôi đang lo sợ thời điểm mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng rồi điều đó đã không xảy ra.
Biểu đồ dần chủ yếu chỉ là các ca bệnh đã hồi phục, với nhiều ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Số ca tử vong 0. Không lâu sau đó, vài tuần rồi cả tháng chẳng có ca lây nhiễm nào ở địa phương. Trường học bắt đầu được mở cửa trở lại và tôi như vỡ òa vì vui sướng.
Tôi lôi cờ Việt Nam vẫn hay dùng để đi cổ vũ bóng đá ra cắm vào xe máy khi đưa con đi học. Tôi muốn đập tay với mọi giáo viên và phụ huynh. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Tắc đường thậm chí trông thật huy hoàng, ngay cả ngày 40 độ C cũng được. Bầu trời xanh trong nơi đây đối lập hoàn toàn với màu ảm đạm của dịch bệnh.
Tôi cảm thấy như gia đình mình đã trúng giải độc đắc khi ở lại Việt Nam trong mùa dịch Covid-19.
Dường như Việt Nam có thể làm mọi thứ
Ở Xứ sở sương mù, số liệu chính thức cho thấy đã có 42.000 người chết vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, con số thực tế theo nhiều người cho hay có thể cao hơn 50% so với con số này. Và tại Việt Nam, số người chết vì dịch vẫn là 0.
Đã có những nghi ngờ về tính chính xác của số liệu, và điều này cũng là dễ hiểu khi mà hàng chục nghìn người đã chết tại nhiều nước. Mọi người vẫn được chăm sóc vô cùng chu đáo tại Việt Nam dù họ cũng chỉ là người dân thường.
Tôi nợ Việt Nam. Để đền đáp, có lẽ tôi có thể sống và làm việc tốt hơn.
Việt Nam sẽ ngày một tươi đẹp hơn, hay nói đúng hơn quốc gia này vốn đã tươi đẹp. Phản ứng thuộc hàng đầu thế giới, cũng như sự minh bạch, cởi mở và thống nhất. Những yếu tố này có thể là tiền đề thành công cho nhiều lĩnh vực, thậm chí có thể trở thành tiêu chuẩn mới của sự thành công.
Người ta từng nói người Việt chăm làm nhưng thiếu sáng tạo. Bài hit "Ghe cô vy" trên toàn cầu đã bác bỏ điều đó. Nhiều người ngộ nhận rằng Việt Nam có thể sản xuất nhưng không thể phát triển sản phẩm của riêng mình, nhưng bộ thử nghiệm Covid-19 hay những sáng tạo chống dịch đã trở thành lời đáp trả.
Tôi giờ đây thậm chí chẳng muốn đánh cược rằng Việt Nam có sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 hay không. Bởi dường như Việt Nam có thể làm mọi thứ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần