Việt Nam hấp dẫn đầu tư lĩnh vực công nghệ xanh từ Bỉ

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Riccardo Benussi, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực châu Âu, công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về xu hướng đầu tư của Bỉ vào Việt Nam năm 2021 và những năm tới.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư Bỉ vào thị trường Việt Nam?
Là một quốc gia mới nổi và đang tận dụng các chính sách cùng hiệp định thương mại với phương Tây, Việt Nam thu hút các nhà đầu tư đến từ phương Tây và các nước châu Á khác như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, mặc dù có thể không phải là quốc gia đứng đầu các nước ASEAN về mức độ dễ tiếp cận kinh doanh.
 Ông Riccardo Benussi, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại châu Âu, công ty tư vấn Dezan Shira & Associates
Nước Bỉ bao gồm Thủ đô Brussels và các vùng phía Bắc và phía Nam nước Bỉ - Flanders và Wallonia. Tôi nhận thấy phần lớn các khoản đầu tư của Bỉ vào Việt Nam đến từ phía Bắc Flanders hoặc Brussels.
Lý giải cho các khoản đầu tư đến từ phía Nam nước Bỉ - Wallonia vào Việt Nam không mạnh hơn hai khu vực còn lại là do Wallonia có rất ít doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư vào châu Á, còn các doanh nghiệp khác trở thành các công ty đa quốc gia. Những doanh nghiệp vùng Wallonian vốn là những chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của họ sẽ thường “thu hút sự chú ý” của các nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt chủ yếu là người gốc Mỹ mua lại rất nhanh chóng.
Các khoản đầu tư lớn từ Bỉ phần lớn sẽ tập trung vào các chuỗi cung ứng nguyên liệu thực phẩm và đồ uống chất lượng cao phục vụ cho các nhà hàng, nhà máy và bán lẻ.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy là những dự án đầu tư của Bỉ thường liên quan đến sản xuất linh kiện ô tô, chuỗi cung ứng điện tử và hàng may mặc.
Các doanh nghiệp Bỉ thành lập công ty thương mại tương đối nhanh bởi họ nhìn thấy tiềm năng thương mại tại Việt Nam, thay vì thiết lập văn phòng đại diện như trước đây. Hoặc, tuỳ vào quy mô, họ sẽ thành lập một tổ chức dịch vụ trong đó sử dụng đội ngũ nhân viên trong và ngoài nước tại Việt Nam, vốn và quản lý hoàn toàn từ nước ngoài.
Xu hướng đầu tư từ Bỉ vào quốc gia mới nổi này sẽ tiếp tục tập trung mạnh hơn vào công nghệ xanh, dược phẩm, hóa chất và các sản phẩm liên quan và công nghiệp phụ tùng ô tô.
Các chính sách của Việt Nam đối với các lĩnh vực đầu tư trên đang tạo điều kiện thu hút  đầu tư nước ngoài như thế nào?
Về các chính sách, tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực năng lượng xanh hoặc năng lượng tái tạo. Cho đến năm 2017, năng lượng tái tạo thậm chí còn không nằm trong chương trình nghị sự của Việt Nam, nhưng đến năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan để đạt công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn nhất ở Đông Nam Á.
Điều này có nghĩa là các công nghệ nước ngoài đang được chính phủ Việt Nam hoan nghênh. Phần lớn thành công gần đây của Việt Nam với năng lượng mặt trời có thể là nhờ vào giá nhập khẩu (FIT). FITs khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo bằng cách đảm bảo giá trên thị trường cho các nhà sản xuất.
Vì chúng thường liên quan đến các hợp đồng dài hạn, FITs giúp giảm thiểu rủi ro vốn có trong sản xuất năng lượng tái tạo. Giá FiT cũng được sửa đổi và đưa ra ngay sau khi chính phủ Việt Nam thông báo rằng họ có ý định tăng gấp đôi công suất phát điện trong thập kỷ tới. Điều này sẽ tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20% nhằm giảm sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện.
Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề cương Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ) VIII, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2021. Theo quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, phát triển năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư là hai trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng sáp nhập và mua lại (M&A) là một trong những lựa chọn tốt nhất đối với các nhà đầu tư gia nhập thị trường này, ít tốn thời gian hơn và giúp nhà đầu tư có được tài sản, nhà cung cấp, nhà phân phối, v.v. của đối tác địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng nhà đầu tư có thể không hoàn toàn kiểm soát được việc ra quyết định.
 Các doanh nghiệp Bỉ tham dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất gỗ trị giá 10 triệu USD tại tỉnh Bình Dương tháng 11 năm 2020. Ảnh: Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội
Thách thức và cơ hội cho các công ty Bỉ đầu tư, hoạt động tại Việt Nam là gì? Tại sao?
Trong số những thách thức mà chúng tôi nhận thấy, cơ sở hạ tầng và hậu cần có thể cải thiện được (sự sẵn có của đường xá, bến cảng, hiệu quả của sân bay và hoạt động hậu cần), điều này sẽ tạo ra sự khác biệt về thời gian giao hàng và thời gian chờ đợi ngắn hơn. Chất lượng lao động cũng cần được cải thiện để đáp ứng chất lượng của các nền kinh tế châu Á khác (“điểm số” lao động thường tính đến năng suất lao động, lực lượng lao động, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ học đại học và tỷ lệ thất nghiệp).
Về cơ hội, châu Âu là thị trường xuất khẩu thứ tư của Việt Nam và đứng thứ hai trong số các nước xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam. Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng và thương hiệu may mặc của Châu Âu đang tích cực chuyển đến Việt Nam và cùng với họ, hầu hết các nhà cung cấp từ Châu Âu cũng tham gia vào một số quy trình sản xuất công nghệ tương đối phức tạp hơn.
Tôi cho rằng các ưu đãi đầu tư bao gồm giảm thuế, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ nghiên cứu, chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư Bỉ đến Việt Nam trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần