Việt Nam kiên trì biện pháp ngoại giao trong căng thẳng Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã đối thoại ở nhiều mức độ với Trung Quốc để phản đối mạnh mẽ việc nước này đưa giàn khoan hạ đặt trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc vẫn điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay thông báo diễn tiến sự việc xung quanh giàn khoan trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đáp lại sự giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc vẫn điều thêm nhiều tàu và máy bay, ông Bình cho biết.

Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, Trung Quốc duy trì sự hiện diện nhiều tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, máy bay quân sự. "Tính đến hôm nay, trong khi tàu công vụ Việt Nam hết sức kiềm chế, Trung Quốc hung hăng đưa tàu máy bay uy hiếp các tàu công vụ Việt Nam đang thực thi hành động bảo vệ chủ quyền bằng vòi rồng, làm hư hại nhiều tàu, làm bị thương nhiều cảnh sát phía Việt Nam", ông Bình nói.

Việt Nam tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao kiên quyết để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng thềm lục địa Việt Nam.

 
Phát ngôn viên Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói Việt Nam cam kết thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Quý Đoàn.
Phát ngôn viên Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói Việt Nam cam kết thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Bình nhắc lại quan điểm Việt Nam cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong khu vực nằm sâu thềm lục địa Việt Nam, đây là hành động vi phạm luật quốc tế, nhất là công ước LHQ về luật biển và DOC. Hành động của Trung Quốc làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng an ninh, an toàn tự do hàng hải và hợp tác và phát triển tại khu vực. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu máy bay ra khỏi biển Việt Nam, không tái diễn hành vi tương tự, đại diện ngoại giao của Việt Nam tái khẳng định.

"Việt Nam cũng xin trân trọng gửi lời cảm ơn các quốc gia, cá nhân lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp của Việt Nam, gửi lời cảm ơn các báo chí trong nước và quốc tế đưa tin khách quan về những hành vi sai trái của Trung Quốc", ông Bình nói.

Xô xát đã được kiểm soát

Đề cập các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong những ngày qua, ông Bình khẳng định "việc thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền là việc làm hết sức chính đáng và tự nhiên, tuy nhiên việc thể hiện tình cảm này phải theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới".

Về sự việc xảy ra ở Hà Tĩnh hôm qua, ông Bình dẫn thông tin từ cơ quan chức năng Hà Tĩnh, cho biết ẩu đả do mâu thuẫn của hai nhóm công nhân làm một người chết và một số người bị thương. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương xác minh vụ việc, bắt những người gây rối và đưa người bị thương đến bệnh viện.
Đại sứ mới của Trung Quốc đã có mặt tại Hà Nội từ ngày 11/5. Hiện Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đang làm việc để tân đại sứ trình quốc thư và bắt đầu nhiệm kỳ mới ở Việt Nam.
Ông Bình cũng bác bỏ thông tin mà một hãng tin nước ngoài đưa rằng có 20 người chết trong các cuộc xô xát tối qua ở Hà Tĩnh. "Thông tin đó là không có cơ sở", ông Bình nói.

"Chúng tôi sẽ có mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn, tài sản của các công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc. Hiện tình hình phức tạp ở các địa phương đã ổn định," đại diện ngoại giao Việt Nam khẳng định.

"Các hành động phá hoại tài sản là hành động của một số đối tượng kích động, các hành động đó bị nhà nước và tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam lên án. Việt Nam vẫn kiên trì đối thoại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981".

Theo ông Bình, tại Bình Dương, một số người đã lợi dụng cuộc tuần hành ôn hòa để kích động công nhân phá hoại tài sản doanh nghiệp, làm mất an ninh trật tự. Ngay khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng Việt Nam đã khẩn trương trấn áp và xử lý nghiêm những người có hành vi kích động.

"Chúng tôi khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đảm bảo quyền lợi lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Đài Loan, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cũng như ở Bình Dương", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh một lần nữa trong cuộc họp báo.

Duy trì liên lạc

Sau cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tuần trước, hai nước vẫn tiếp tục liên lạc với nhiều cấp độ, ông Bình cho biết.

"Chúng tôi vẫn sử dụng biện pháp hòa bình. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng cho rằng quan hệ hai bên chỉ có thể phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau và thiện chí giải quyết tranh chấp", ông nói.

Nhấn mạnh các biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp, ông Bình cho hay nếu Trung Quốc không rút giàn khoan trái phép, Việt Nam không loại trừ việc sử dụng biện pháp pháp lý nếu thấy cần thiết.

Về mặt thương mại, ông Bình cho hay giao thương ở khu vực biên giới Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.

"Hành động sai trái của Trung Quốc đã làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cố gắng duy trì các hoạt động hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước".

Ông Bình bác bỏ thông tin cho rằng Việt Nam và Philippines kêu gọi các nước ở ASEAN gây sức ép với Trung Quốc, coi đó là những thông tin không có cơ sở, và tái khẳng định sự đoàn kết và quan ngại sâu sắc của các nước ASEAN đối với hòa bình và ổn định ở khu vực. Trên bình diện rộng hơn, ngày 7/5, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên Hợp Quốc công hàm phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển Việt Nam.