Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam chủ trương tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh Việt Nam chủ trương tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Phát biểu tại phiên họp với chủ đề về chính trị và an ninh trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 22 Diễn đàn Nghị sỹ châu Á-Thái Bình Dương (APPF) diễn ra tại khu du lịch biển Puerto Vallarta thuộc bang Jalisco miền Tây Mexico từ 13-16/1 với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đại diện cho 27 quốc gia thành viên APPF, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ ngày nay tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên đang có xu hướng gia tăng; quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng hơn và cũng chính quá trình hội nhập này đã đặt ra nhiều thách thức to lớn, trong đó có các thách thức phi truyền thống. Vì vậy để đối phó với những nguy cơ toàn cầu kể trên, cần có sự tham gia và hợp tác tích cực của nhiều quốc gia trên thế giới.

 
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội Việt Nam cam kết làm tốt vai trò và chức năng ngoại giao nghị viện, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ của công tác đối ngoại, bao gồm giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Bài tham luận của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam được đánh giá cao. Nhiều đại biểu đã đến chào và chúc mừng ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Trong thời gian dự hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cùng các đại biểu quốc tế đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh và phát triển, đi sâu vào bảo vệ môi trường và phác thảo mục tiêu phát triển sau năm 2015 và nhiều điểm quan trọng của thanh niên và phụ nữ... Song song với các hoạt động chính thức, đoàn cũng đã dành thời gian tiếp xúc với đại diện Quốc hội Mexico và Nhật Bản, trao đổi về các vấn đề khu vực và song phương.

Là thành viên sáng lập APPF từ năm 1992, Quốc hội Việt Nam tích cực tham gia và tham gia đầy đủ các diễn đàn của hội. Đây là một cơ chế hợp tác mềm dẻo trong xu thế đối thoại hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển vững bền tại khu vực đầy năng động.

Có thể nói APPF là nơi để nghị sỹ các nước trong khu vực xác định và thảo luận các vấn đề quan trọng và cấp bách của khu vực; trao đổi ý kiến, quan điểm về các vấn đề quốc tế; đánh giá tác động của sự tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực và toàn cầu; khuyến khích và tăng cường hợp tác khu vực ở tất cả các cấp trong các lĩnh vực mà các quốc gia cùng quan tâm.

Hội viên của APPF là các nghị sỹ thuộc các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện nay gồm Australia, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Hàn Quốc, Costa Rica, Ecuador, Liên bang Micronesia, Mỹ, Fiji, Philippines, Indonesia, Quần đảo Marshall, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mexico, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Nga, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. APPF có Ban chấp hành giúp triển khai các công việc giữa các kỳ họp và điều hành các cuộc họp tại diễn đàn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần