Việt Nam mới có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/3, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Cục quản lý thoát nước và nước thải (Bộ Đất đai hạ tầng Giao thông và Du lịch Nhật Bản) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức Hội thảo Việt - Nhật về thoát nước và xử lý nước thải.

Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, môi trường, tuy nhiên, những thách thức như cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, chậm đầu tư mới, cải tạo và nâng cấp còn nhiều hạn chế; thiếu nguồn nhân lực cho đầu tư, quản lý vận hành…
 Toàn cảnh buổi Hội thảo
Bên cạnh đó, công nghệ trong thoát nước và xử lý nước thải hiện đang tập trung nhiều vào xử lý nước thải. Còn việc quan tâm đổi mới và ứng dụng các công nghệ có liên quan đến thi công xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, thay thế, duy tu, duy trì sự hoạt động của hệ thống thoát nước còn nhiều hạn chế.
Do vậy, Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản cùng trao đổi, phân tích, báo cáo công nghệ mới đã và đang áp dụng tại Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu về dự án “Wow to Japan” - cải tạo phục hồi đường ống thoát nước bằng công nghệ không đào hở đối với loại ống không có hình dạng thông thường. Đặc biệt, các chuyên gia đã giới thiệu những kết quả của việc ứng dụng công nghệ khoan kích ống ngầm tại TP.HCM và công nghệ này đã được xây dựng thành “Bộ tiêu chuẩn công nghệ khoan kích ống ngầm dành cho Việt Nam chuyển” chuyển giao cho phía Việt Nam.
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, trong đó mục tiêu phát triển 6.3 liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải rất được quan tâm. Đó cũng là mục tiêu hợp tác từ cấp trung ương đến địa phương và doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Nhật Bản hướng tới. Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua hai bên đã tập trung hợp tác về một số nội dung chính như tăng cường năng lực quản lý thoát nước và xử lý nước thải; Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp của hai nước trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.
Theo báo cáo, đến nay, Việt Nam có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 890.000 m3/ngđ (ngày đêm), đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 2 triệu m3/ngđ đi vào vận hành, nâng tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt khoảng 20%.
Bên cạnh đó, trên cả nước có 33 tỉnh, thành đã ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương. Sau Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, đã có 14 tỉnh thành ban hành mới quy định quản lý thoát nước địa phương và có 8 tỉnh rà soát, chỉnh sửa và ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần