Việt Nam nỗ lực lớn để Mỹ đưa ra khỏi danh sách nước thao túng tiền tệ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại trụ sở Chính phủ sáng 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nước thao túng tiền tệ vừa qua là nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN, để Mỹ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam.

Dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%

Thủ tướng chỉ đạo NHNN thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ trong tổng thể Kế hoạch hành động, để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều thành công, ngành cần phát huy những việc đang làm tốt và hiệu quả để thời gian tới có kết quả cao hơn.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu NHNN báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc và hướng xử lý trong thời gian tới trên nguyên tắc việc gì dễ, khả thi, đồng thuận và cấp bách làm trước, việc khó có ý kiến khác nhau cần tăng cường trao đổi, thảo luận để có hướng xử lý, làm việc gì dứt điểm việc đó.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỉ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ.

Kết quả cho thấy tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỉ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỉ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng ngày 14/4 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo thực tế tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỉ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế, nếu để tỉ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán

Sau khi nghe Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo và nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN cần rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong 3 - 6 tháng tới.

"Lựa chọn một số việc ưu tiên làm trước, việc khó phức tạp cân nhắc kỹ lưỡng tìm giải pháp phù hợp, xử lý có hiệu quả, những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định những vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần. Thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, tinh thần có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm" - Thủ tướng nhấn mạnh trong chỉ đạo đối với NHNN.

Về tín dụng, Thủ tướng yêu cầu: "Đối với tín dụng vào bất động sản cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn đối với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Thủ tướng chỉ đạo NHNN hành động quyết liệt nhưng chắc chắn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi của người dân, phối hợp các bộ ngành tạo cơ chế phù hợp thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tái cơ cấu đảm bảo hiệu quả.  "Cần có giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc xử lý nợ xấu đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ" - Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với lĩnh vực cung ứng dịch vụ, Thủ tướng cho rằng cần đảm bảo ứng dụng công nghệ hiện đại thích ứng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính.

Do đó, NHNN cần phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các bộ ngành hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện, môi trường cho các sản phẩm mới, sản phẩm sáng tạo công nghệ được áp dụng để góp phần phát triển nền kinh tế số.

Thủ tướng chỉ đạo NHNN làm việc với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo môi trường, điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế để người dân được hưởng tiện ích và dịch vụ tương đương các nước trong khu vực.

Đối với công tác tổ chức cán bộ, Thủ tướng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ để cán bộ công chức, viên chức, phát huy cao nhất dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, chống tham nhũng, tiêu cực… Đồng thời, tăng cường kỷ luật kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo, phát huy tính tự lực tự cường vươn lên từ " bàn tay khối óc" của ngành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần