Việt Nam sẽ có Đề án chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chuyển đổi số sẽ giúp tăng tỷ trọng trong GDP, tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, ngay trong năm 2019, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ và dự kiến sẽ được chính thức ban hành ngay trong năm.
 
Phía Cục cho rằng, việc chuyển đổi số là nhu cầu mang tính cấp thiết ở Việt Nam đối với các đối tượng gồm: Con người; doanh nghiệp; cơ quan nhà nước. Sự chuyển đổi này đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong GDP, giúp tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm. Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những gì chuyển đổi số đem lại cho GDP chiếm khoảng 6% vào năm 2017; đến năm 2019 dự báo sẽ là 25% và đến năm 2021 sẽ chiếm khoảng 60%.
Theo số liệu khác từ McKinsey&Company, dự báo tỷ lệ đóng góp của chuyển đổi số vào GDP tại một số nước vào năm 2025 là 25,3% với Mỹ; khoảng 35% với Brazil; EU là 36,2% và Úc là 44,1%. Từ đó có thể thấy chuyển đổi số sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng GDP các nước.
Đối với Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số sẽ làm tăng năng suất lao động. Trong nghiên cứu năm 2017 của Microsoft và IDG cũng đã chỉ ra rằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyển đổi số tác động, làm tăng năng suất lao động khoảng 15% trong năm ngoái nhưng con số này sẽ tăng lên 21% vào năm 2020.
Đồng thời báo cáo của Microsoft và IDG cho thấy, trong vòng 3 năm tới, 85% công việc sẽ phải thay đổi, chuyển hóa; trong đó, có 32% công việc đòi hỏi người lao động phải được đào tạo nâng cao kỹ năng số thì mới làm việc lại; 26% công việc mới tạo ra nhờ chuyển đổi số (chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên gia AI); và có tới 27% công việc sẽ biến mất do tác động của chuyển đổi số…
Hiện tại ở Việt Nam, chuyển đổi số hiện đã và đang diễn ra song mới chỉ diễn ra ở từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp, chứ chưa diễn ra ở góc nhìn tổng thể của một quốc gia. Đây chính là lý do Bộ TT&TT đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu là có cách nhìn tổng thể về công cuộc chuyển đổi số từ góc độ quốc gia. Đề án dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2019”, Cục Tin học hóa cho biết.
Trên cơ sở những nghiên cứu bước đầu về quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Cục Tin học hóa đã nêu ra một số lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên chuyển đổi số như: Giáo dục; Y tế; Nông nghiệp; Môi trường; Du lịch; Thanh toán, ngân hàng; đô thị thông minh…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần