Việt Nam sẽ có hơn 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, mục tiêu đề ra sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm...

Mới đây, Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) đã có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn 2020 - 2030.

Vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2018

Trong giai đoạn mới, để tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho DN xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và để giải quyết dứt điểm những hạn chế, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 đã tạo cơ chế, chính sách cho hoạt động này.

Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới đã nêu rõ các nội dung, hoạt động cụ thể của Chương trình. Quy chế mới có sự phân tầng, định hướng rõ nhóm đối tượng hưởng lợi của Chương trình và nhóm nội dung hỗ trợ tương ứng; bổ sung các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Các bộ, ngành trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng và phối hợp thực hiện các đề án theo nội dung của chương trình.

Như vậy, việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá THQG sẽ có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện của các bộ, ngành, của cả cộng đồng xã hội. Quy chế mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã quy định cơ chế cho sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và các bộ ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo tính pháp lý cho một Chương trình mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, việc xét chọn sản phẩm đạt THQG hai năm một lần cũng sẽ được thực hiện theo trình tự chặt chẽ quy định tại Quy chế để đảm bảo tính pháp lý, công bằng, công khai, minh bạch cho hoạt động này.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chế và quy định của Chương trình THQG Việt Nam nhằm đảm bảo ngăn chặn những hành vi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh và THQG Việt Nam trong nước và nước ngoài; lợi dụng hình ảnh và THQG Việt Nam để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể như sau:

Thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước;

Góp phần tăng giá trị THQG Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới;

Trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam; 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm;

90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần