Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh |
Thị trường thế giới diễn biến khó lường
Tổng cục yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3. Đồng thời, giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên. Tổng cục Hải quan cũng giao Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu. Đồng thời, Cục Hải quan các tỉnh, TP, Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước thông tin tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, việc tạm dừng này là cần thiết bởi từ đầu năm 2020, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường. Bên cạnh sự phức tạp của các yếu tố khách quan, diễn biến thương mại gạo toàn cầu tiếp tục có phát sinh, tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đặc biệt gần đây một số nước nhập khẩu gạo lớn đều gia tăng sản lượng như Trung Quốc, Malaysia... điều này gây áp lực không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo cũng như vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam.
Duy trì mức dự trữ lưu thông
Trước đó, để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, cũng như có biện pháp ứng phó rủi ro về giá, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã ban hành công văn đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về dự trữ lưu thông và bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước. Theo đó, đề nghị các DN duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước lo ngại về tình hình an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Việt Nam vẫn bảo đảm đủ lương thực trong nước. Sở dĩ vậy là bởi với tình hình thời tiết hiện nay, diện tích canh tác lúa gạo năm 2020 của Việt Nam ước đạt 7,3 triệu hecta. Dù chịu ảnh hưởng của hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, sản lượng lúa gạo cả năm 2020 của Việt Nam vẫn sẽ đạt khoảng 43,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng và dự trữ lúa gạo cả nước dự kiến sẽ chỉ khoảng 30 triệu tấn. Do đó, việc thiếu lương thực được đánh giá là chưa có khả năng xảy ra.
Liên quan tới vấn đề này, cuối giờ chiều 24/3, Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ cùng ngày. Theo Bộ Công Thương, Bộ tiếp nhận phản ánh của một số DN đề nghị có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các DN. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cho biết vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ về việc rút quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Từ đầu năm đến ngày 15/3, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, cả nước đã xuất 1,3 triệu tấn gạo với trị giá 602 triệu USD. Giá gạo bình quân đạt 463 USD/ tấn, cao hơn 20 USD/ tấn so với mức bình quân của năm ngoái. |