Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP: Công đoàn cơ sở phải cải thiện quan hệ lao động

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/11, trao đổi với báo chí tại cuộc “Tọa đàm về cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP”, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH đồng thời là Trưởng nhóm lao động, Đoàn đàm phán TPP cho rằng, công đoàn cơ sở cần có những cải tiến để cải thiện quan hệ lao động.

 Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH

Ngày 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP). Tới đây khi CPTTP có hiệu lực, người lao động (NLĐ) sẽ được phép thành lập hoặc gia nhập các tổ chức do họ lựa chọn ở cấp cơ sở. Ông có ý kiến gì về việc này?
Trong Hiệp định CPTTP, Việt Nam cam kết cho phép NLĐ được quyền thành lập tổ chức của họ tại DN. Tổ chức này sau khi tự thành lập có hai lựa chọn, một là họ sẽ tự nguyện tham gia vào hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và trở thành một phần của Tổng liên đoàn. Hai là, họ có sự lựa chọn đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ LĐTB&XH) để được phép hoạt động.
Tổ chức này chỉ được hoạt động thuần túy với tư cách là tổ chức đại diện cho NLĐ để thực hiện các chức năng đại diện và bảo về quyền lợi hợp pháp của NLĐ đang làm việc tại DN đó. Cụ thể, tổ chức này đại diện NLĐ đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động.
Nếu xảy ra tranh chấp với chủ sử dụng lao động thì tổ chức này có thể đại diện NLĐ giải quyết tranh chấp và tổ chức đình công theo pháp luật quy định, không được phép hoạt động ngoài phạm vi DN và không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào ngoài phạm vi quan hệ lao động.
Ông có đánh giá gì về quan hệ lao động hiện nay và tổ chức công đoàn có đáp ứng được yêu cầu khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam đang gia tăng?
Quan hệ lao động của Việt Nam đang có bước chuyển và cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh chấp, bất đồng dẫn tới đình công, đây là hiện tượng bình thường của kinh tế thị trường. Đáng mừng là trong những năm qua, các cuộc đình công đều được giải quyết khá tốt đẹp dù chưa hoàn hảo, để NLĐ yên tâm quay trở lại làm việc. Điều quan trọng là hướng tới quan hệ lành mạnh, tiến bộ.
 Người lao động đang ứng tuyển DN FDI tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội
Tổ chức công đoàn đã hoạt động hiệu quả?
Tổ chức công đoàn Việt Nam cần phân biệt sức mạnh của những kết quả đạt được với những khích lệ lớn lao. Đại diện cho NLĐ của tổ chức công đoàn ở cơ sở tại một số DN tư nhân, đặc biệt khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn nhiều điều chưa được hài hòa dẫn tới tranh chấp và đình công. Tôi nghĩ, công đoàn cơ sở cần có những cải tiến để cải thiện quan hệ lao động. Đối với người sử dụng lao động, đây cũng là bài học để xem xét lại và điều chỉnh hoạt động theo hướng tạo ra quan hệ lao động hài hòa hơn.
Tham gia Hiệp định CPTTP chúng ta phải đáp ứng và thực hiện theo đúng nội dung cam kết. Vậy lộ trình thực hiện những quy định này ra sao, thưa ông?
Đối với Hiệp định CPTTP, các nước đều đồng ý dành cho Việt Nam một lộ trình tương đối thích hợp để triển khai các cam kết. Cụ thể, đối với các cam kết chung về lao động, các nước đồng ý cho Việt Nam lộ trình 3 năm để tiến hành sửa đổi, điều chỉnh luật pháp cho phù hợp cũng như tổ chức thực thi có hiệu quả.
Tôi nghĩ, đây cũng là thời gian để chúng ta tập duyệt thực hiện cam kết. Quan trọng là năng lực thực thi – điều ưu tiên chúng ta phải triển khai ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Những nội dung phức tạp hơn liên quan đến đại diện cho NLĐ tại DN, các nước đồng ý cho Việt Nam lộ trình 5 năm để chuẩn bị và thực thi. Trong 5 năm này và 3 năm trước, các nước cam kết sẽ không thực hiện những biện pháp trừng phạt thương mại hay đình chỉ trừng phạt thương mại cho Việt Nam nếu có những vấn đề tranh chấp về nội dung này.
Sau 5 năm, nếu vấn đề vẫn tồn tại thì các nước đồng ý ngồi với nhau để rà soát, xem xét lại trong khuôn khổ của hội đồng lao động của CPTOO để giúp Việt Nam cải thiện tình hình. Như vậy, lộ trình được đưa ra rất thích hợp cho Việt Nam có thời gian chuẩn bị những nội dung cần thiết cho việc thực thi.
Xin cảm ơn ông!

Cam kết chung về lao động trong CPTPP

Chương Lao động (chương 19) trong CPTPP, điều 19.3 quy định các bên sẽ “thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như thực tiễn” những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO. Bao gồm: Tự do liên kết và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

Ngoài ra, Điều 19.3 cũng quy định các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần