Việt Nam tham gia TPP11: Chuẩn bị tốt về chính sách hội nhập

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tham gia vào TPP11 tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức phải đối mặt, tuy nhiên thách thức chính là cơ hội để phát triển bứt phá - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân
Thưa ông, TPP11 thành công có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?
- 11 quốc gia đã đi đến thỏa thuận TPP không có Mỹ với một tên gọi mới “Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gọi tắt là TPP11. Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà giúp Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng đã có những đóng góp thiết thực và xây dựng vào thành công chung của Hội nghị. Đàm phán thành công ở Việt Nam mở ra giai đoạn mới cho CPTPP.
Khó khăn của các nước khi đàm phán sau khi Mỹ rút khỏi TPP là tìm điểm cân bằng mới cho CPTPP và nay đã giải quyết được. TPP11 không đơn thuần là một hiệp định thương mại tự do mà là một hiệp định toàn diện và phát triển trong môi trường hội nhập. Tâm điểm của TPP11 vẫn là cam kết mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ... Bản thân tên mới của Hiệp định (tiến bộ và toàn diện) đã nói lên điều đó. Trong khi Nikkei nhận định, ngoài những tác động lên kinh tế, CPTPP cũng sẽ góp phần quan trọng đảm bảo lợi ích an ninh cho Việt Nam.
TPP11 mang lại những cơ hội  (tăng trưởng, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu…) và thách thức gì?
- Việt Nam được đánh giá là hưởng lợi rất lớn không phải chỉ là lĩnh vực thị trường tiêu thụ mà là tổ chức sản xuất, nguyên liệu đầu vào. Tất nhiên, nếu TPP có Mỹ có nghĩa ta sẽ có nhiều lợi thế, nhưng TPP11 không Mỹ, không có nghĩa là ta bị mất lợi thế đi, cái mà chúng ta được trước mắt là mặt thị trường. Trong số 11 nước tham gia CPTPP, cũng có nhiều nước đóng vai trò quan trọng và là các nền kinh tế lớn. Thêm được thị trường mới, đó là cơ hội cần phải tiếp tục tận dụng.
 Với Việt Nam, theo tính toán của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nếu tham gia TPP12 thì chúng ta được hưởng lợi lớn, giờ thì mức lợi thu được khi không có Mỹ sẽ nhỏ hơn. Với TPP11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP 12 là 6,7%. Xuất khẩu với TPP11 tăng thêm 4%, trong khi TPP12 khoảng 15%. TPP11 làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP12 tăng nhập khẩu 10,5%.
 Ngoài việc gia tăng xuất khẩu do các rào cản thuế quan được dỡ bỏ, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc chấm dứt những hạn chế thương mại phi thuế quan tại các quốc gia Đông Nam Á, thông qua việc tiêu chuẩn hóa các quy định liên quan tới thương mại điện tử và mua sắm công. TPP11 còn mang lại lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng như nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, tuy nhiên cũng đòi hỏi mức độ cạnh tranh lớn hơn, do mức độ mở cửa cao hơn. TPP đặt ra thách thức mới do Việt Nam phải thực hiện những tiêu chuẩn cao trong khi là nền kinh tế kém phát triển nhất trong những nước tham gia và còn nhiều “vấn đề” do thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện.
Ông có thể cho biết những ngành nào có thể hưởng lợi?
- Những ngành được hưởng lợi trước hết là những ngành đang có thế mạnh xuất khẩu như công nghiệp, dệt may, về sản xuất hàng tiêu dùng và đặc biệt là nông nghiệp. Chúng ta có điều kiện để những sản phẩm nông nghiệp có thể có sức cạnh tranh (đặc thù đất đai, đặc tính sản phẩm). Về lâu dài, những ngành đang phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài sẽ có cơ hội để nước ngoài đầu tư thực hiện ngay trong nước, làm tăng chuỗi giá trị sản xuất của Việt Nam lên.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng, sau khi được ít nhất 6 thành viên thông qua thì hiệp định này sẽ có hiệu lực thi hành 60 ngày, Việt Nam cần làm gì để tận dụng TPP11, thưa ông?
 - Nhìn chung TPP11 vẫn giữ các điều khoản trong TPP12, nhưng trong đó cho phép các nước có quyền rút khỏi một số vấn đề mỗi nước. Các nước thành viên cũng đưa ra danh mục 20 nội dung tạm hoãn (chủ yếu cam kết sở hữu trí tuệ) một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới và chất lượng cao của hiệp định. TTP11 có thay đổi một số điều khoản và một số bị trì hoãn, và có những điểm là làm chậm lại hội nhập giữa các nước, nhưng đấy có khi là cơ hội tốt cho Việt Nam vì Việt Nam được đánh giá có năng lực để thích nghi và cạnh tranh so với các nước khác. Nếu hòa nhập ngay vào tất cả các điều kiện đó thì rất có thể chúng ta chưa kịp thích ứng, khi đó các nước khác chiếm được chỗ đứng chúng ta sẽ mất thị phần. Việc trì hoãn lại cũng là thời gian để Việt Nam chuẩn bị.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long.  Ảnh:  Thanh Hải

Ví như quy định về kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay còn nhiều mặt hàng chịu nhiều quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, một mặt hàng phải gánh nhiều sự kiểm tra chuyên ngành trong cùng một Bộ, và nhiều hàng hóa thuộc quản lý của nhiều Bộ. Đây là mấu chốt rất quan trọng mà chúng ta phải tháo gỡ nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua cửa khẩu. TPP tạo ra cơ hội mới để Việt Nam cải cách nhanh hơn thể chế kinh tế, để DN trong nước tham gia có hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu, để tái cấu trúc có hiệu quả nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, tăng nhanh hơn kim ngạch thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta là nước nhỏ nhất, thấp nhất và yếu nhất trong Hiệp định TPP11 kể cả về thu nhập, vậy cần có những giải pháp gì để khắc phục?
- Khó khăn lớn nhất là khả năng thích ứng so với tiêu chuẩn trong nhóm TPP đặt ra, như công nghệ của ta lạc hậu hơn, tổ chức về mặt sản xuất, kiểm soát thị trường của ta cũng chưa theo kịp. Đây là 2 yếu tố ta phải thay đổi nhiều nhất để thích ứng. Phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi – năng lực cạnh tranh sản phẩm – dịch vụ, năng lực thể chế để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một hiệp định phát triển đẳng cấp cao nhất. Vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng DN... Khối lượng công việc là rất lớn và rất phức tạp, với những chất lượng rất mới.
Cùng với hoàn thiện các công việc cuối cùng trong đàm phán, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều hơn cho cải cách bên trong. Cụ thể, có nhiều công việc phải làm, chẳng hạn như trong chống tham nhũng. Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập, cũng như xây dựng đội ngũ DN nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại… nâng cao sức cạnh tranh gắn với xây dựng chiến lược hội nhập bài bản, trọng tâm là xây dựng chuỗi kết nối. Và khu vực DN cần nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho khoa học công nghệ… Tư duy và hành động đúng đắn nhất đối với DN không phải là “ngồi chờ” mà là tự vận động tiến lên phía trước bằng chính sức mình và sự hợp tác trong khung khổ chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
TPP11 vẫn để ngỏ khả năng sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia vào. Vậy khả năng này có mang lại kỳ vọng gì cho Việt Nam?
- Tất nhiên TPP11 đều mong muốn Mỹ sẽ có sự thay đổi, nhưng tôi nghĩ trước mắt khó để Mỹ quay lại vì ông Trump đã nói không muốn, nhưng quan điểm của ông Trump vẫn duy trì hợp tác song phương với các nước. Và trong những nước hợp tác song phương đó cũng có những nước trong khối TPP11 này, như vậy sẽ có những ảnh hưởng của đa phương TPP lan tỏa… Và trong tương lai điều này có thể vì định hướng phát triển thương mại song phương của Tổng thống Donald Trump khó thực hiện khi lợi ích của từng quốc gia đã gắn với lợi ích kinh tế đa phương.
Xin cảm ơn ông! 
Theo CIEM, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ ở mọi châu lục của thế giới, thu hút được 24.005 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký là 341.598,2 triệu USD và vốn thực hiện là 154.492,9 triệu USD.