Việt Nam - thỏi nam châm hút FDI

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo, nhiều khả năng trong năm nay, Việt Nam vẫn sẽ là “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Dự báo này dựa trên cơ sở khi các nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và đang xúc tiến mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 Nhật Bản tiếp tục giữ ngôi đầu về vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ảnh: Quang Hiếu
Vốn FDI tăng 51% tháng đầu năm
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, ngay trong tháng 1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT NN là 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018. Các NĐT đã tham gia vào 18 ngành/lĩnh vực quan trọng, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, khoa học công nghệ và bất động sản... Đây là con số hết sức tích cực và rất có ý nghĩa bởi nguồn vốn đầu tư này sẽ bổ sung năng lực mới cho nền kinh tế, góp phần cho tăng trưởng.
Nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có nhu cầu rất lớn về cung cấp các lĩnh vực phụ trợ, hợp tác đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu DN ở quy mô quốc gia, với các thông tin hữu ích để các DN nước ngoài khi vào đầu tư có thể tham khảo và hợp tác đầu tư; tăng mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước…

TS.GS Nguyễn Mại
Kyoshin, Katolec Global Logistics và Sews-Components Việt Nam II là 3 cái tên đáng chú ý. Chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam của 3 NĐT này trong tháng 1 đã lên tới 200 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Kyoshin (Việt Nam) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngày 17/1/2019 tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu; Dự án Katolec Global Logistics Việt Nam được đầu tư bởi Katolec Corporation (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam; Dự án Nhà máy Sews-Components Việt Nam II, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD đầu tư tại Hưng Yên… Với 3 dự án lớn trên tổng số 5 dự án được cơ quan quản lý FDI "điểm mặt, chỉ tên" trong báo cáo đầu tư tháng 1/2019, Nhật Bản trở thành "quán quân" trong bảng xếp hạng FDI của Việt Nam.
 Dây chuyền sản xuất motor điện loại nhỏ tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam Khu công nghiêp Biên Hòa 2 tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Danh Lam

Đón nhiều dự án FDI lớn ngay từ đầu năm
Việt Nam hiện đang có lợi thế trong việc nắm bắt nhu cầu, mong muốn và xu hướng đầu tư của các NĐT NN... Hiện nay, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ngoài lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, Việt Nam là “ứng cử viên” hàng đầu cho địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ông Lê Hồng Hiệp - chuyên gia Việt Nam tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, nhận định việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trên có thể giúp Việt Nam quảng bá câu chuyện thành công về kinh tế của mình và đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề khu vực.
Theo GS Nguyễn Mại, trong bối cảnh mới, Việt Nam đang có lợi thế để chọn lọc những dự án FDI chất lượng. Dự báo, vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2019, không chỉ vào các ngành nghề cần nhiều lao động như dệt may, điện tử như các năm trước và chuyển hướng cả vào những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Như tại Hà Nội, giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại (giao thông, đô thị thông minh, môi trường; năng lượng tái tạo...); lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao (dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo…). Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, FDI trong lĩnh vực sản xuất đều vượt so với kế hoạch đề ra. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy, các địa phương sẽ có tăng tốc thu hút vốn FDI trong năm nay.
Bước ngoặt lớn trong chiến lược thu hút FDI là lần đầu tiên, Bộ Chính trị sẽ có một nghị quyết riêng về định hướng chiến lược trong thu hút, sử dụng vốn FDI, nhằm nâng cao hiệu quả của dòng vốn này. Ngày 14/2, tại hội nghị tham vấn về đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu và và sử dụng vốn FDI đến năm 2030 để báo cáo Bộ Chính trị xem xét thông qua.
Đề án thu hút FDI giai đoạn đến 2030 đặt ra: Việt Nam đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của khu vực FDI lên 20 - 25% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Tập trung thu hút các NĐT NN trong các lĩnh vực công nghệ cao, có quản trị hiện đại, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0… FDI phải trở thành “nhân tố quan trọng nâng cấp nền kinh tế Việt Nam” và liên kết chặt chẽ giữa DN nước ngoài với DN trong nước.