ADB: Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao nhất trong khu vực

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ được duy trì nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị tác động, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao so với các nước trong khu vực là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Đây là đánh giá được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo "Triển vọng Phát triển Châu Á 2019" công bố ngày 3/4.
ADB nhận định, Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng ở mức 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Tăng trưởng kinh tế được giữ vững trong thời gian tới
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sigwick nhận định: "Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và cầu nội địa được duy trì".
Ông Sigwick cho rằng, động lực tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân.
Cụ thể, tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực, dựa trên cơ sở tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ; sự tiếp tục mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp; khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do, gồm cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn gần đây và khả năng ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Báo cáo của ADB dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019 và tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2020, thấp hơn mức mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra.
Hội nhập chuỗi giá trị là chìa khóa cho tăng trưởng
Tuy nhiên, ông Sigwick cũng khuyến cáo các rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam. Những nền kinh tế lớn của thế giới - vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - đang suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP.
Ông Sigwick cho rằng, bất chấp việc Việt Nam có thể là một trong số các quốc gia hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các cơ hội sẽ không tự đến mà đòi hỏi Việt Nam phải chủ động nắm bắt thông qua việc thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực quản trị của doanh nghiệp nội địa.
"Ở trong nước, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng", ông Sigwick cho biết.
Bên cạnh đó, báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Việt Nam trong việc tăng cường hội nhập doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu, vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), cũng như nâng cao năng lực của các DNVVN - gồm cả kĩ năng của người lao động - là những biện pháp quan trọng để cho phép các DNVVN áp dụng tốt hơn công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.