Việt Nam tụt 1 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh 2018

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019: Cải cách để tạo việc làm (Doing Business) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, môi trường kinh doanh 2018 của Việt Nam xếp hạng 69/190 nền kinh tế được đánh giá, tụt 1 bậc so với đánh giá trong năm ngoái (68/190 nền kinh tế), với 66,77 điểm trên thang 100.

Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2018 các nền kinh tế châu Á - Thái Bình dương do WB công bố ngày 31/10.
Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhất thế giới, tiến hơn 30 bậc, lần đầu tiên đứng trong nhóm 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới với vị trí 46.
Ma-lai-xi-a cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15. In-đô-nê-xi-a (73), Phi-lip-pin (124), Thái Lan (27) và Việt Nam (69).
Trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới - Sing-ga-po (số 2) và Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4). Hai nền kinh tế xếp hạng thấp nhất trong khu vực là Mi-an-ma (171) và Đông Timor (178).
Mặc dù bị tụt xếp hạng đánh giá, song báo cáo Doing Business 2019 vẫn đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có nhiều cải cách. Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines được đánh giá là những nền kinh tế có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh khi 3 tiêu chí đánh giá đều xếp hạng tốt. Tuy nhiên, so với báo cáo Doing Business năm 2018, Việt Nam được đánh giá có 5 cải cách, thì báo cáo Doing Business năm 2019, Việt Nam chỉ đạt 3 cải cách.
WB xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Năm nay, báo cáo Môi trường Kinh doanh thu thập dữ liệu về đào tạo được cung cấp cho cả cán bộ công chức cùng người kinh doanh và đăng ký đất đai.
Một nghiên cứu điển hình trong báo cáo, phân tích dữ liệu này, cho thấy đào tạo bắt buộc và thường niên cho các quan chức liên quan giúp tăng hiệu quả kinh doanh và đăng ký đất đai. Nghiên cứu thứ hai, trong lĩnh vực thực thi hợp đồng và giải quyết khả năng thanh toán, xem xét khía cạnh giáo dục và đào tạo các thẩm phán trên toàn thế giới.