Việt Nam tụt hạng chỉ số nộp thuế: Nhiều cải cách chưa được ghi nhận

Đinh Nguyễn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, năm 2018, chỉ số nộp thuế là một trong các chỉ số tụt hạng mạnh nhất của Việt Nam, giảm tới 45 bậc. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân (đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế) nhận định, các cải cách về thuế của Việt Nam vẫn chưa được WB ghi nhận.

 Làm thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo bà, vì sao Việt Nam được đánh giá cao về những nỗ lực cải cách nhưng nhiều chỉ số thuế theo xếp hạng của WB lại giảm khá mạnh?
- Theo báo cáo của WB, thời gian nộp thuế của Việt Nam trong Doing Business 2019 là 498 giờ, trong đó thuế là 351 giờ và bảo hiểm xã hội là 147 giờ, không thay đổi so với năm ngoái. Trong số 351 giờ nộp thuế, có 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế là 17 giờ. Số lần nộp thuế của Việt Nam là 10 lần, giảm 4 lần so với năm ngoái. Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận là 37,8%, giảm 0,3% so với 38,1% so với kết quả năm 2018. Nhìn vào tiêu chí của WB có thể thấy, riêng về chỉ số nộp thuế, họ đánh giá theo các yếu tố: Số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận và cuối cùng là chỉ số sau kê khai như thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh kiểm tra thuế. Lý do lớn nhất khiến thứ hạng thay đổi là sự thay đổi chính sách trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng. DN đánh giá được WB đưa ra là một DN nhỏ không có hoạt động đầu tư, không có hoạt động xuất khẩu trong năm khảo sát.

Trước kia, tại Việt Nam, đây là DN có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng hiện tại, các đơn vị này không thuộc diện được hoàn thuế. Bởi vậy, điểm số riêng phần này của Việt Nam bằng 0.

Thưa bà, đúng là ngành thuế có nhiều nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và DN. Tuy nhiên, liệu có hay không việc so với các nước cùng khu vực với các chỉ tiêu đánh giá chung, các cải cách của Việt Nam vẫn chậm?

- Đúng là có thể có việc, cùng các tiêu chí nhưng một số nước cải cách nhanh hơn nên kết quả xếp hạng của họ tốt hơn. Việc này cũng không loại trừ. Với riêng đối tượng DN hoàn thuế như tôi đã nói ở trên, có nước cho hoàn thuế, có nước hạn chế hoàn thuế. Thực tế, có nước không có thuế giá trị gia tăng, có nước cho hoàn thuế sau 1 - 3 tháng hoặc sau 12 tháng. Đó là chính sách của mỗi nước và mình không thể nói là thông lệ đúng hay không đúng.

Theo đánh giá của WB và quan điểm của cá nhân bà, Việt Nam còn cần cải thiện những chỉ số nào về thuế nữa trong thời gian tới?

- Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, đó là thời gian kê khai nộp thuế và thời gian DN bỏ ra để chuẩn bị số liệu, tờ khai thuế. Về thời gian kê khai nộp thuế, những năm qua ngành thuế đã triển khai nhiều cải cách như kê khai, nộp thuế điện tử nên hiện thời gian kê khai nộp thuế thấp. Ngược lại, chỉ số thời gian mà DN bỏ ra để chuẩn bị số liệu, tờ khai thuế lại đang lớn. Một phần nguyên nhân của việc này xuất phát từ DN. Thứ hai, về áp dụng công nghệ thông tin, đơn vị được WB lựa chọn là DN nhỏ nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. DN hiện vẫn làm tờ khai thuế chiết xuất số liệu từ sổ kế toán ra bảng excel. Việc này tốn nhiều thời gian. Trong khi ấy, DN có thể ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu từ phần mềm tài chính kế toán.

Vậy theo bà cơ quan chức năng cần hỗ trợ các DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa và DN siêu nhỏ về thủ tục, chính sách thuế nhiều hơn nữa ở những khâu nào?

- Thực tế, nhiều nước có chính sách kế toán, thuế đơn giản hơn cho DN nhỏ và vừa. Ta nên có chính sách thuế, chế độ kế toán đơn giản phù hợp hơn cho các DN này. Trước đây, việc này đã được làm khá nhiều và giúp giảm vài trăm giờ. Một loạt các biện pháp đã được đưa ra để bỏ các yêu cầu không cần thiết trong tờ khai thuế. Đó cũng là việc cần rà soát tiếp.

Xin cảm ơn bà!

Để cải thiện chỉ số nộp thuế, trong thời gian tới, ngành thuế cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc tiếp cận chính sách, đồng thời tăng cường thực hiện điện tử hóa các thủ tục hành chính của DN, phấn đấu cung cấp hầu hết các dịch vụ công ở cấp độ 3 và 4. Về phía các DN cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán, đồng bộ việc ghi sổ kế toán với việc tính toán nghĩa vụ thuế, từ đó mới có thể giảm được thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế và góp phần giảm thời gian nộp thuế.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc
Vẫn còn một số cải cách tạo thuận lợi cho DN đã được áp dụng trong vài năm gần đây nhưng chưa được WB ghi nhận. Cụ thể, việc bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế GTGT thực tế ở Việt Nam đã bỏ từ tháng 11/2014 (Nghị định 71/2014) nhưng WB vẫn tính thời gian DN lập Bảng kê thuế GTGT bằng excel mất 90 giờ.

Đối với thuế thu nhập DN, trong thống kê của WB vẫn có đến 5 lần kê khai thuế TNDN (4 lần tạm khai theo quý và 1 lần quyết toán năm) nhưng thực tế từ khi sửa đổi Luật số 71, số lần khai thuế TNDN chỉ còn 1 lần/năm. Bên cạnh đó, WB vẫn tính một lần phải nộp thuế, phí xăng dầu, trong khi thực tế DN không phải khai nộp trực tiếp. Hiện tại, các DN đầu mối xăng dầu đã khai nộp thuế bảo vệ môi trường bằng phương thức điện tử. Như vậy nếu theo thực tế có thể giảm thêm 5 lần nộp thuế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần