Viết sách giáo khoa nên có sự tham gia của giáo viên

Trung Anh ghi
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo 20 chương trình môn học, hoạt động giáo dục để lấy ý kiến dư luận, nhiều người băn khoăn có nên để giáo viên (GV) tham gia viết sách giáo khoa (SGK).

Cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên dạy tiếng Anh cấp THCS ở huyện Sóc Sơn cho rằng, cần thiết có sự đóng góp của GV trực tiếp đứng lớp, bởi GV là người hiểu học sinh cần gì, hiểu được những nội dung còn bất cập trong chương trình.
Theo cô Tâm, khác với chương trình hiện hành chỉ có duy nhất một bộ SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền phát hành, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều SGK. Sách có thể do nhiều tổ chức, cá nhân soạn và chỉ là tài liệu dạy học không có tính pháp định. Trong đó, để đảm bảo việc có SGK cho học sinh, Bộ GD&ĐT sẽ vẫn chủ trì biên soạn một bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12. "Tuy nhiên, tôi được nghe thông tin, tham gia viết SGK lần này chỉ có các giáo sư, tiến sĩ và các thành viên Ban soạn thảo chương trình SGK mới. Chưa hẳn những giáo sư, tiến sĩ giỏi có thể viết ra một bộ SGK hay" - cô Tâm nói. Lâu nay, việc biên soạn SGK không có sự tham gia của đội ngũ thầy cô đứng lớp. Điều này có thể lý giải vì sao mỗi lần thay đổi sách, một lý do luôn được đưa ra là sách cũ nặng tính hàn lâm, quá tải kiến thức. Vì vậy, SGK mới nếu tiếp tục do những người chưa có kinh nghiệm đứng lớp, làm công tác nghiên cứu viết ra, thì có thể sẽ tiếp tục lặp lại những hạn chế của SGK cũ.
Bởi thế, để chương trình, SGK mới đem lại hiệu quả, thiết thực với học sinh, ngoài đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia, cần có sự tham gia của đội ngũ GV giàu kinh nghiệm. “Vì không ai ngoài GV, những người trực tiếp đứng lớp hàng ngày mới hiểu được bất cập còn tồn tại trong chương trình SGK. Chỉ có giáo viên mới có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, hơn ai hết, họ hiểu học sinh cần gì” - cô Tâm khẳng định.