Vietcombank “ăn gian” hàng chục tỷ đồng tiền lãi của khách hàng như thế nào?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2001 đến 2015, các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm của Vietcombank tính và hạch toán đầy đủ.

0`Riêng trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện Vietcombank tính thiếu gần 10 tỷ đồng tiền lãi của khách hàng. Giai đoạn từ 2001 đến 2014, KTNN không thể xác định số liệu lãi phải trả khách hàng của Vietcombank do phần mềm CoreBanking của ngân hàng này không lưu trữ toàn vẹn được thông tin chi tiết trên đặc biệt là dữ liệu của 10 năm trở về trước. 
Ngoài ra, báo cáo của KTNN cũng đánh giá, Vietcombank chưa tiệm cận các thông lệ quản trị công nghệ thông tin quốc tế hiện hành do hệ thống phần mềm mua của nước ngoài từ năm 1998 và một số phần mềm Vietcombank tự phát triển.

15 năm “quên” trả lãi khách hàng

Báo cáo kiểm toán hệ thống CNTT liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 của KTNN phát hiện, Vietcombank đã trả lãi tiền gửi cho khách hàng không đầy đủ. Cụ thể, đã có gần 6,7 triệu tài khoản, tương đương 70,2% tổng tài khoản tiền gửi của Vietcombank không được trả đầy đủ tiền lãi với số tiền gần 10 tỷ đồng trong riêng năm 2015.
 
Việc trả lãi tiền gửi được Vietcombank thực hiện theo Công văn 309 của Ngân hàng nhà nước ngày 19/1/2001 về hướng dẫn chương trình ngân hàng bán lẻ, trong đó “các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn sẽ được tự động trả lãi định kỳ ngày 25 hàng tháng không phân biệt ngày nghỉ, lễ và mức lãi tối thiểu được trả cho khách hàng là 1.000 đồng và 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với ngoại tệ khác”.

Từ năm 2001 đến nay, tức hơn 16 năm, hệ thống phần mềm của VCB đã không tính và hạch toán đầy đủ với các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ. Tính riêng năm 2015, với bình quân 9,53 triệu tài khoản tiền gửi không kỳ hạn thì Vietcombank đã “quên” không trả lãi cho hơn 6,69 triệu tài khoản của khách hàng mỗi tháng. Do đó, báo cáo tài chính năm 2015 của Vietcombank chưa phản ảnh đầy đủ số tiền lãi phải chi trả cho khách hàng là hơn 9.766.135.153 đồng. Ngân hàng đã hạch toán thiếu hơn 9,76 tỷ đồng tiền lãi phải trả cho khách hàng.

Theo KTNN, nguyên nhân là do Vietcombank cài đặt tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn chưa phù hợp quy định tại Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ- NHNN ngày 17/05/2001 về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Điều 6 quy định Tổ chức tín dụng quy định định kỳ tính và hạch toán thu, trả lãi phù hợp với đặc thù hoạt động và yêu cầu quản lý của tổ chức mình nhưng phải đảm bảo toàn bộ các khoản lãi dự thu, dự chi, thực thu - thực chi và phân bổ được tính, hạch toán đầy đủ, chính xác vào tài khoản thu nhập hoặc chi phí trong tháng cuối quý, cuối năm tài chính.

Đặc biệt, việc cung cấp dữ liệu chi tiết các tài khoản không kỳ hạn từ năm 2001 đến 2014 bị hạn chế do đây là cơ sở dữ liệu phát sinh rất lớn, trong nhiều năm, VCB xác định hệ thống phần mềm CoreBanking không lưu trữ toàn vẹn được thông tin chi tiết trên đặc biệt là dữ liệu của 10 năm trở về trước. Do vậy, KTNN cho biết, không thể thực hiện xác định số liệu lãi phải trả khách hàng của các năm này, mặt khác nhiều tài khoản đã tất toán nhiều năm trước, việc xác định đúng tên đối tượng khách hàng theo từng tài khoản để thực hiện chi trả thực tế rất khó khăn.

Theo đó, KTNN kiến nghị Vietcombank thực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng phát sinh năm 2015 số tiền gần 10 tỷ đồng, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo đúng quy định.

Công nghệ lỗi thời, chậm nâng cấp

Về quản trị hệ thống phần mềm ứng dụng, KTNN đánh giá ngân hàng chưa tiệm cận các thông lệ quản trị công nghệ thông tin quốc tế hiện hành do hệ thống phần mềm mua của nước ngoài từ năm 1998 và một số phần mềm Vietcombank tự phát triển.

Về các khuyến nghị quản lý, kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin, KTNN khuyến nghị Vietcombank cần nghiên cứu ban hành khung quản trị rủi ro công nghệ thông tin và quy trình đánh giá rủi ro công nghệ thông tin tiệm cận thông lệ quốc tế hiện hành; Rà soát, đánh giá rủi ro hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, xây dựng hệ thống lưu trữ, quản lý hồ sơ phần mềm theo quy định của Thông tư 13 đối với các trường hợp sai sót về quản trị, phân quyền truy cập; Rà soát các văn bản quy định quản lý quyền truy cập gắn với thời gian, đặc điểm làm việc để có chính sách sửa đổi phù hợp, đảm bảo kiểm soát quyền truy cập đúng quy định đúng quy định an toàn, bảo mật thông tin hiện hành.

Ảnh: Báo cáo kiểm toán hệ thống CNTT liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước với Vietcombank phát hiện ra nhiều vấn đề cần khắc phục trong hệ thống CNTT của ngân hàng này.