Vikhapack phủ nhận đến cùng
Liên quan đến việc Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Khang - Vikhapack (tại địa chỉ số 34/2T đường Cây Bài, Ấp 6, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) nhiều năm liền trong quá trình hoạt động, sản xuất bị người dân địa phương tố xả thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, mới đây, trả lời Báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Vikhapack lên tiếng phủ nhận toàn bộ sự việc.
Tại buổi làm việc với PV báo Kinh tế & Đô thị vào trưa 18/4, một đại diện thuộc phòng hành chính nhân sự của Vikhapack cho biết: “Chúng tôi hiểu rất rõ việc công ty hoạt động ngay trong khu dân cư thì việc gây ô nhiễm là điều không thể chấp nhận, đành rằng năm vừa rồi có bị phạt nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục như thực hiện bao trần để cải thiện bụi”.
Vị này cho rằng, người dân tố cáo Vikhapack xả thải bất chấp ngày đêm là không chính xác: “Chỉ có duy nhất một ngày công ty sản xuất hơi nhiều, cộng thêm ban đêm có ánh đèn chiếu vào nên người dân phán đoán là bụi nhiều, chứ thực tế thì không nhiều như vậy”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi ngày xả thải nhiều đó chính xác là ngày nào, ngoài bụi thì hoạt động sản xuất của nhà máy có sản sinh ra khói đen và khói trắng kèm mùi hôi khó chịu như người dân phản ánh hay không thì vị này cho rằng không nhớ được đó là ngày nào và những vấn đề liên quan đến kĩ thuật vị này không am hiểu nên đề nghị giới thiệu một người khác có chuyên môn trả lời những thắc mắc của PV.
Tiếp tục buổi làm việc, người được giới thiệu ông Vũ Văn Viện (thuộc bộ phận bảo trì - bảo dưỡng máy của Công ty Vikhapack) cho biết: “Hiện tại, nhà máy đang vận hành dựa trên nguyên tắc hoạt động của lò hơi, lò hơi hoạt động bắt đầu từ việc đốt củi, trong nồi hơi có nước, sau khi lửa cháy từ củi sẽ làm nước trong nồi hơi sôi, khí bay lên tạo thành áp lực gọi là hơi, hơi đó được đưa sang một nơi khác lấy nhiệt độ, tạo ra quá trình trao đổi nhiệt giữa hơi và máy móc, mục đích của việc tạo ra nhiệt này là để dán các tờ giấy lại với nhau”.
Ban đầu, ông Viện khẳng định việc nhóm củi đốt lò hơi chỉ sản sinh ra khói màu đen và khói đen này cũng chỉ kéo dài từ 15 đến 20 phút, khi củi trong lò đã cháy ổn định thì khói đen cũng không còn. Đồng thời, ông Viện cam kết lần xả khói này cũng là lần xả khói duy nhất trong ngày, ngoài hoạt động nhóm củi đốt lò hơi, không có một nguồn nào khác từ hoạt động của nhà máy sản sinh ra khói.
“Hoạt động đốt lò hơi thường bắt đầu từ khoảng 5h30 sáng mỗi ngày và kéo dài đến khoảng 6 giờ tối, thời gian hoạt động của lò hơi có thể nhiều hơn hoặc ít hơn một chút tuỳ thuộc vào kế hoạch sản xuất của từng ngày”, ông Viện giải thích.
Trong quá trình trao đổi với PV, ông Viện nhiều lần cam kết cả hai ống khói mà Vikhapack đang sử dụng hiện nay đều chỉ thải ra khói đen không mùi từ hoạt động đốt củi nhóm lò hơi, ông Viện nhấn mạnh hoàn toàn không chuyện Vikhapack thải khói trắng ra môi trường và cho rằng người dân địa phương đang làm quá sự việc.
Tuy nhiên, khi PV đưa ra những clip xả thải khói trắng do người dân cung cấp, thì lúc này ông Viện ấp úng: “Có thể do ngày hôm đó đốt trúng củi ướt, mặc dù lượng nước trong củi không đáng kể những vẫn sẽ sản sinh ra một ít khói trắng, dù có thải ra khói trắng thì tôi cũng khẳng định khói này không có mùi hôi”, ông Viện phân trần.
Trước động thái chối bỏ trách nhiệm của Vikhapack, chị C (nhà gần sát công ty) bình tĩnh nói: “Tôi xác nhận sau khi báo chí đưa tin, ngày 12/4, phía Vikhapack đã dùng tôn bít ống xả bụi. Tuy nhiên, họ khắc phục xả bụi, nhưng vẫn tiếp tục hành vi xả khói, chỉ trong ngày 20/4 tôi chúng chứng kiến họ xả khói đến 3 lần, ban ngày có ban đêm cũng có”.
Cùng với chị C, chị U (một hộ dân khác) bức xúc: “Họ nói họ không thải khói trắng, họ cam kết khói thải ra không có mùi là họ đang nói láo trắng trợn, tôi khẳng định Vikhapack thải ra môi trường 2 loại khói, khói trắng và khói đen. Nếu như khói đen có mùi hắc, thì khói trắng lại có mùi khó chịu hơn, giống hệt mùi đốt nilon, điều khó hiểu nhất là khói đen thì bay lên trời theo chiều gió, còn khói trắng thì không bay lên được mà cứ lơ lửng rồi hạ xuống đất. Việc làm sai trái của Vikhapack đã xảy ra nhiều năm nay, tất cả các hộ gia đình đang sinh sống tại đây đều biết, chúng tôi sẵng sàng đứng lên đấu tranh vì sự thật và công bằng”.
Chính quyền nói sao?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Vikhapack được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp số 0307414667 ngày 2/5/2018 (lầu đầu đăng kí ngày 27/2/2009) với ngành nghề: sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa (trừ tái chế phế thải giấy và sản xuất bột giấy tại trụ sở).
Trong quá trình hoạt động, Vikhapack từng bị UBND huyện Củ Chi xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng thời buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra.
Tuy nhiên, người dân địa phương phản ánh, Công ty Vikhapack không những không thực hiện các cam kết trong văn bản xử phạt, mà còn tiếp tục thực hiện hành vi xả thải độc hại ra môi trường, cả ngày lẫn đêm với quy mô nhiều hơn trước.
Vì sao Công ty Vikhapack đã bị xử phạt vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm? Trong văn bản trả lời Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 18/4, UBND xã Phước Vĩnh An cho rằng, sau khi tiếp nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Vikhapack do UBND huyện ban hành ngày 15/8/2018, UBND xã đã chỉ đạo Chi bộ - Ban Nhân dân Ấp 6 triển khai Tổ Nhân dân và người dân được biết, đồng thời thường xuyên theo dõi, tiếp nhận phản ánh từ hộ dân về hoạt động của Công ty Vikhapack trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường và báo cáo kịp thời cho UBND xã để chỉ đạo thực hiện theo quy định.
Theo UBND xã, việc kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của huyện. Tuy nhiên, về góc độ quản lý tại địa phương, khi tiếp nhận thông tin phản ánh, UBND xã đã kịp thời chỉ đạo cán bộ phụ trách xác minh thực tế, gửi văn bản kiến nghị và phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện kiểm tra, xử lý đúng quy định.
Đại diện UBND xã cũng cho biết thêm, mới đây UBND huyện Củ Chi đã cử cán bộ xuống xác minh thực tế tại Công ty Vikhapack, đồng thời lấy mẫu để kiểm tra, sẽ sớm có kết quả báo cáo đến người dân địa phương.
Đại diện người dân Ấp 6, chị C cho biết: “Tôi và bà con trong xóm rất sợ chuyện cũ lập lại, cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt xong thì đâu lại vào đấy, nếu Vikhapack tiếp tục xả thải không lẽ chúng tôi lại vác đơn đi kiện suốt đời. Tôi tha thiết mong mỏi các cấp chính quyền xử lý nghiêm và nhanh chóng đưa nhà máy này ra khỏi khu dân cư, trả lại không khí trong lành, tạo điều kiện cho chúng tôi yên tâm làm ăn sinh sống”.
Theo các chuyên gia y tế, nếu sống trong điều kiện không khí ô nhiễm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Các ảnh hưởng cấp tính gồm: ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, thậm chí tử vong. Biểu hiện nhẹ hơn là suy nhược, chóng mặt, say, co giật, ngất, ảnh hưởng tới tim phổi… Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe như: Viêm phổi, viêm phế quản mãn; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh hen suyễn, tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh… Nhóm dễ bị ảnh hưởng gồm: Người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người đang mang bệnh… |