Vinamilk trúng thầu Chương trình Sữa học đường

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Sữa học đường TP đã chủ trì nghe báo cáo về Chương trình và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Tú
Không quá 3.400 đồng/hộp sữa
Đề án Chương trình sữa học đường đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, bắt đầu triển khai từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020, với mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh (HS) tiểu học được uống sữa; 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng... Mức giá sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp có dung tích 180ml và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai Chương trình Sữa học đường. Để thực hiện Chương trình này, ngân sách TP hỗ trợ 30%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh HS đóng góp 50%. Như vậy, mỗi phụ huynh đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa.
Từ nay đến ngày 10/12, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn cho các quận, huyện, trường học trên địa bàn TP về việc nhận bàn giao sữa đến cho HS và xử lý bao bì sữa sau khi sử dụng. Cùng với đó, sẽ có hướng dẫn cụ thể về Chương trình Sữa học đường cho các Phòng GD&ĐT, nhà trường, phấn đấu trên 90% HS trên địa bàn TP tham gia Chương trình.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến, ngày 10/10, Sở GD&ĐT đã mở thầu Chương trình Sữa học đường theo đúng trình tự thủ tục và quy định về đấu thầu. Công ty CP Thực phẩm sữa TH và Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk là 2 nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, được mời tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 12/11/2018.
Ngày 23/11, Sở GD&ĐT đã chính thức ban hành Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 1 về Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, địa chỉ số 10, Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh là đơn vị trúng thầu với tỷ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23% (mức hỗ trợ cao hơn so với mức mời thầu của Sở GD&ĐT 3%). Đơn giá trúng thầu 1 hộp sữa là 6.286 đồng. Nhà thầu phụ là Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP).
Đại diện đơn vị trúng thầu, Giám đốc điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk Bùi Thị Hương khẳng định: "Với quy mô lớn của đề án, chúng tôi coi đây là thử thách về tính chuyên nghiệp của Vinamilk. Chúng tôi xác định không làm thương mại đối với Chương trình Sữa học đường. Chúng tôi làm vì ý nghĩa nhân văn, vì trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi rất quyết tâm trong việc triển khai".
Trong thời gian tới, Sở GDĐT Hà Nội và Vinamilk sớm triển khai ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu, cùng phối hợp để triển khai Gói thầu, đặc biệt chú ý công tác tuyên truyền tập huấn quy trình tới từng trường học để đảm bảo Đề án được triển khai thành công trên khoảng 2.000 trường mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ tham gia Chương trình Sữa học đường; nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.
Vì sự phát triển tầm vóc của trẻ
Tại buổi làm việc, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trường học cơ bản ủng hộ Chương trình Sữa học đường bởi ngoài mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học thì Chương trình còn mang tính nhân văn cao. Tuy nhiên, một số quận, huyện cũng nêu khó khăn trong quá trình triển khai như tỷ lệ đăng ký tham gia Chương trình còn thấp, nhất là những trường ngoài công lập; hạn chế về kho chứa sữa và khâu bảo quản; thu gom vỏ hộp… Các địa phương kiến nghị TP sớm có kế hoạch triển khai cụ thể xuống từng đơn vị; tổ chức tập huấn cho các đơn vị, nhà trường về các công tác liên quan…
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng: “Để triển khai Chương trình không dễ dàng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiếp thu các ý kiến từ nhiều phía. Trong đó, vai trò của địa phương rất quan trọng, quyết định sự thành công của đề án. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho các phụ huynh HS tiếp thu đầy đủ thông tin, lợi ích khi tham gia Chương trình”.
Qua các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ấn định ngày 1/1/2019, HS tham gia Chương trình sẽ được uống sữa học đường. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội sớm hoàn thiện và hợp đồng khung với đơn vị cung ứng sữa. Đồng thời tổ chức hướng dẫn quy trình thực hiện đề án tại các trường từ lập danh sách hàng năm; đảm bảo cơ sở vật chất tiếp nhận và bảo quản sữa; kiểm tra cấp trường, tổ chức cho uống (thời gian, cách uống), đến kinh phí, xử lý vỏ hộp... Việc tập huấn cho các quận, huyện, trường học phải hoàn thành trước ngày 10/12.