Virus khiến Việt Nam mất 20.000 tỷ đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất về tình hình an ninh mạng từ tập đoàn công nghệ Bkav, năm 2019 Việt Nam đã thiệt hại trên 20.000 tỷ đồng.

Hôm nay 9/1, tập đoàn công nghệ Bkav đã đưa ra báo cáo tổng kết tình hình an ninh mạng năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018.

Lý giải rõ hơn về con số thiệt hại lớn mà virus máy tính gây ra cho người dùng Việt Nam trong năm 2019, Bkav cho biết, tuy không có sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, song sự gia tăng máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu (rasomware) và mã độc tấn công có chủ đích APT là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại lớn này. Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018.

Thống kê của Bkav cho thấy, 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT nguy hiểm W32.Fileless. Theo chuyên gia Bkav, kỹ thuật mà W32.Fileless sử dụng rất tinh vi và có thể nói đã đạt đến mức “tàng hình”. Mã độc này không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường.

 Virus khiến Việt Nam thiệt hại lớn trong năm 2019. Ảnh minh họa

Cũng trong báo cáo tổng kết an ninh mạng 2019, Bkav cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước, cùng các chiến dịch xử lý mã độc đồng loạt tại một số thành phố lớn đã góp phần giảm đáng kể số lượng máy tính tại Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma (botnet). Theo công bố của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, Việt Nam đã tăng 50 hạng về Chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu trong năm.

Tuy nhiên, đại diện Bkav lưu ý, công tác phòng chống mã độc tại các địa phương khác vẫn còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt một lượng lớn máy tính tại khối doanh nghiệp tư nhân và người sử dụng cá nhân vẫn chưa có hình thức phòng vệ cần thiết, chưa có phần mềm diệt virus bảo vệ thường trực, hoặc có phần mềm diệt virus nhưng không đủ mạnh. Theo thống kê của Bkav, tỷ lệ máy tính bị nhiễm mã độc trong năm 2019 tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao, lên tới gần 58%.

Năm 2019 vừa qua tiếp tục chứng kiến sự hoành hành của các loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware). Theo thống kê của Bkav, số lượng máy tính bị mất dữ liệu trong năm 2019 lên tới 1,8 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2018. Nghiêm trọng hơn, trong số này có rất nhiều máy chủ (server) chứa dữ liệu của các cơ quan. Không chỉ gây thiệt hại lớn, việc các máy chủ bị xóa dữ liệu cũng gây đình trệ hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp trong nhiều ngày sau đó, thậm chí đến cả tháng.

Các chuyên gia Bkav cho biết, đã có một chiến dịch quy mô lớn của hacker nước ngoài tấn công vào các máy chủ có mật khẩu yếu tại Việt Nam. Không sử dụng các hình thức lây nhiễm mã độc lây nhiễm thông thường, hacker đã tập trung dò tìm các server có mật khẩu yếu, từ đó thực hiện truy cập trái phép từ xa (remote access) nhằm cài thủ công mã độc mã hóa dữ liệu. Kiểu tấn công này khiến phần mềm diệt virus sẽ bị vô hiệu hóa do hacker đã chiếm được toàn quyền điều khiển máy chủ.

Các chuyên gia khuyến nghị, người sử dụng, đặc biệt là các quản trị cần rà soát, đặt lại mật khẩu đủ mạnh cho máy tính, máy chủ mình quản lý. Mật khẩu đủ mạnh phải có độ dài từ 9 ký tự trở lên, có chứa cả chữ hoa và chữ thường, có ký tự là số và kỳ tự đặc biệt. Ngoài ra, mật khẩu không nên chứa các ký tự dễ đoán như thông tin về người dùng hay thông tin về máy chủ, quản trị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần