Virus Zika - dịch Ebola thứ hai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Virus Zika gây teo não ở trẻ nhỏ đang tấn công các quốc gia châu Mỹ khi 21 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Mỹ đã ghi nhận có ca nhiễm kể từ khi Brazil thông báo trường hợp đầu tiên vào tháng 5/2015.

Tại Brazil, đã có tới 3.893 trường hợp nghi mắc tật đầu nhỏ, nhiều gấp 30 lần so với số trường hợp mắc bệnh mỗi năm kể từ năm 2010. Hiện các bệnh viện nhi đều rơi vào tình trạng quá tải.
Virus Zika - dịch Ebola thứ hai? - Ảnh 1
Từ quốc gia này, virus Zika đã lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác của châu Mỹ. Nỗi lo sợ dịch Zika còn lan sang Mỹ khi mới đây, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này đã phải đưa ra khuyến cáo phụ nữ đang mang thai không nên du lịch tới Brazil. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/1 đã đưa ra cảnh báo, virus này có thể lan rộng ra khắp châu Mỹ.

Virus Zika liên quan đến hàng ngàn trẻ chào đời mắc hội chứng đầu nhỏ có thể gây tổn hại não, thậm chí tử vong. Do đó, nhiều nước như Brazil, Colombia, Ecuador, El Salvador và Jamaica đã khuyến cáo phụ nữ trì hoãn việc mang thai cho đến khi giới chức tìm hiểu rõ về Zika. Virus này lây lan qua vật trung gian là muỗi Aedes aegypti, cũng là tác nhân truyền bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết và sốt chikungunya. Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu miễn dịch tự nhiên ở châu Mỹ đã góp phần làm virus Zika lây lan nhanh.

Điều nguy hiểm là hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra thuốc và vaccine để điều trị virus này. Việc này đang dấy lên lo ngại virus Zika có thể bùng phát thành dịch như đại dịch Ebola ở Tây Phi vào năm 2014.

Theo GS Trudie Lang - một chuyên gia nổi tiếng về virus tại Đại học Oxford cho biết, điều nguy hiểm là chúng ta chưa có thuốc và vaccine để phòng Zika. “Đây chính xác là những gì chúng ta đã gặp phải với đại dịch Ebola. Việc tìm ra vaccine là yêu cầu cấp thiết” - Giáo sư Lang nói. Trong hơn 2 năm xảy ra, dịch Ebola đã reo rắc nỗi sợ hãi khắp thế giới với gần 15.000 người thiệt mạng, thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Virus Zika được tìm thấy lần đầu tiên trên một cá thể khỉ trong rừng Zika, gần hồ Victoria, Uganda năm 1947. Những trường hợp mắc bệnh từng xuất hiện ở châu Phi, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, các quốc gia ở các khu vực khác cần nâng cao cảnh giác, để tránh bùng phát thành dịch.