VN-Index “bốc hơi” hơn 40 điểm

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ngày nghỉ lễ, áp lực bán mạnh khiến các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ. Hàng loạt Bluechips đảo chiều giảm mạnh, thậm chí MSN, VRE, SSI, OCB, DCM giảm sàn "trắng bên mua".

Giao dịch chứng khoán tại Hà Nội. Ảnh: Trần Quỳnh
Đóng cửa phiên giao dịch 22/4, chỉ số VN-Index giảm 40,46 điểm (3,19%) xuống 1.227,82 điểm; HNX-Index giảm 2,69% xuống 288,5 điểm và UPCom-Index giảm 2,42% xuống 79,75 điểm. Tính riêng trên HoSE có 365 mã giảm điểm (bao gồm 59 mã giảm sàn), áp đảo hoàn toàn so với 80 mã tăng.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 25.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 140 tỷ đồng trên toàn thị trường. Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất gồm có HPG (-236,5 tỷ đồng), VPB (-149 tỷ đồng), VSC (-118,8 tỷ đồng)…

Hàng loạt bluechip từ cổ phiếu ngân hàng đến bất động sản, xây dựng và các ông lớn sản xuất… đều cùng chung số phận ảm đạm. Nhóm bất động sản, xây dựng bị bán mạnh với nhiều mã giảm sàn như CEO, CII, DRH, FCN, HQC, KBC, ITA, LCG, SJS, SCR… Tương tự, nhóm thép, dầu khí cũng xuất hiện khá nhiều mã giảm sàn "trắng bên mua". HAG giảm sàn "trắng bên mua" sau thông tin vào diện kiểm soát, chỉ còn được giao dịch phiên chiều từ 28/4.

Một số DN có thông tin kết quả kinh doanh tích cực dù giá cổ phiếu phiên này vẫn đi xuống, nhưng mức giảm đỡ hơn. Thông tin kết quả kinh doanh quý 1 ước tính 7.000 tỷ đồng đã khiến HPG chỉ giảm gần 4% xuống 55.000 đồng/CP - đây là mức giảm chấp nhận được trong bối cảnh thị trường chung ảm đạm. Tương tự, MWG với thông tin chia cổ tức cùng kế hoạch kinh doanh 2021 tích cực cũng không còn giữ được sắc xanh và đóng cửa lùi về tham chiếu 142.500 đồng.

Việc các chỉ số điều chỉnh mạnh sau ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương đã được dự đoán trước. Theo các công ty chứng khoán, việc VN-Index có phiên tăng mạnh hôm 20/4 và các phiên trước đó là nguyên nhân khiến thị trường ngày 22/4 có thể điều chỉnh mạnh do áp lực chốt lời.

Nhận định của Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), với việc thị trường đóng cửa được trên ngưỡng 1.250 điểm trong 2 phiên liên tiếp nên xác suất thị trường điều chỉnh, rung lắc là có.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư trung hạn mua vào trước Tết trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời trong tuần trước nên đứng ngoài quan sát thị trường. Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1.225 điểm, nếu thủng ngưỡng này thì nên bán ra.

Chung nhận định, Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS) đánh giá, phiên 20/4 trước nghỉ lễ giá cổ phiếu được kéo lên cao, VN-Index đạt được mức tăng 95 điểm (tương đương tăng 8%) chỉ sau 3 tuần giao dịch. Đây là tốc độ tăng mạnh, và tập trung vào một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tất yếu dẫn đến xuất hiện lực bán chốt lời trên các mã tăng nóng này. "Nhà đầu tư cảm nhận rõ tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”. VN-Index vẫn đang trong xu thế tăng điểm trung hạn, nhưng đang đối mặt với khả năng rung lắc mạnh mỗi khi chỉ số VN-Index đạt được mức cao mới. Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược giao dịch T+ để tìm kiếm lợi nhuận trước khi thị trường xác định hướng đi rõ ràng hơn" - báo cáo của công ty này khuyến nghị.