Vỡ mộng với Grab

Quang Huy - Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/12 ghi nhận sự bùng nổ của “cơn bão” phản đối đến từ giới tài xế xe công nghệ Grab.

Họ tập trung rất đông tại trụ sở của hãng rồi kéo nhau đi đến nhiều nơi khác thể hiện sự bất bình khi Grab đột ngột tăng giá cũng như tăng chiết khấu thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) lên chính các đối tác của mình.

Lo giảm thu nhập

11 giờ 30 ngày 7/12, trong khi mọi người đang hối hả về nhà bên mâm cơm gia đình, hàng chục tài xế Grab vẫn tập trung tại phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có trụ sở Công ty Grab Việt Nam để bày tỏ sự bất bình trước việc lãnh đạo hãng xe công nghệ này tự ý tăng giá và dồn gánh nặng 10% chiết khấu thuế VAT lên vai họ.
Tất nhiên, điều mà các tài xế nhận được chỉ là sự im lặng đến từ đối tác mà cách đây chưa lâu đã từng xuất hiện như một "vị thần”, mang đến cho họ cơ hội kiếm tiền cùng một viễn cảnh đầy mơ ước. Nhưng rồi, chỉ trong chốc lát, viễn cảnh mộng mơ ấy vụt tắt và vị đối tác “khổng lồ” của họ đã “hiện nguyên hình” với những chính sách tận thu sức lao động một cách triệt để. Không ít tài xế Grab đã không giữ được bình tĩnh, có người uất ức đến rơi nước mắt.
 Tài xế Grab căng băng rôn phản đối chính sách của Grab. Ảnh: Quang Huy
“Nhìn bên ngoài, nhiều người nghĩ chúng tôi có được công việc nhàn hạ mà kiếm được nhiều tiền. Ai cũng cho rằng tài xế xe ôm công nghệ sẽ giàu và sướng hơn hẳn xe ôm truyền thống. Có đi làm mới biết nhọc nhằn và tủi nhục biết bao nhiêu” – anh Bùi Tiến Thành (SN 1983, quê ở Yên Bài, tài xế xe ôm công nghệ Grab) bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói trầm buồn xen lẫn sự tủi thân, ấm ức. Anh Thành kể, công việc hàng ngày của anh bắt đầu từ lúc 5 giờ 30 sáng bất kể mùa Đông hay Hè.
Sáng ngủ dậy, bật ứng dụng Grab, đồng phục xe ôm Grab rồi chạy một mạch từ Gia Lâm vào nội thành. Đến nơi làm việc, anh mới dám mua cái bánh mì ăn sáng. Vợ anh làm công nhân tại khu công nghiệp ở Gia Lâm. Trước đây, mỗi ngày anh chạy xe từ 5 giờ 30 sáng đến khoảng 23 giờ đêm kiếm được 700.000 – 800.000 đồng. “Trừ chiết khấu, tiền xăng xe, ăn uống, nếu cố gắng tiết kiệm cũng còn một nửa số đó. Nhưng giờ hãng tăng chiết khấu lên 30% thì không biết chúng tôi biết sống bằng gì?” – anh Thành nghẹn ngào nói.

Làm 10 đồng mất 9 đồng chữa bệnh

Tiếp lời anh Bùi Tiến Thành, ông Phạm Văn Việt (SN 1965, quê ở Bắc Ninh, tài xế Grab Bike) nói với giọng chậm rãi: “Nếu không vì kiếm miếng cơm manh áo cũng chẳng ai tha thiết với cái nghề xe ôm này đâu. Đã vất vả, nguy hiểm lại còn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị thu cái này, tăng tiền kia. Khổ lắm...”. Không còn ở độ tuổi sức lực như người đồng nghiệp quê Yên Bái, ông Phạm Văn Việt không dám nhận những cuốc xe muộn và xa mà chỉ tìm đến những cuốc ngắn và đặc biệt trong cung đường phải... ở chỗ đông người. “Mấy vụ tài xế xe ôm công nghệ bị cướp, bị sát hại rồi. Tôi sợ lắm” – ông Việt thẳng thắn.

Tuy nhiên, chính vì sự lựa chọn an toàn với những cuốc xe ngắn mà ông Việt lại là người nằm trong đối tượng chịu thiệt nhất với chính sách tăng cước và tăng chiết khấu thuế VAT của Grab. “Bình thường thu nhập của tôi đã thấp rồi. Giờ lại bị hãng xẻo thêm vào tiền thuế VAT thì biết sống kiểu gì?” – ông Việt ngán ngẩm nói.

Như sợ tôi không tin, ông chỉ vào khuôn mặt gầy gò, xương xẩu của mình nói như thanh minh: “Tôi chẳng giấu gì anh, làm cái nghề xe ôm công nghệ này, làm ra được 10 đồng thì mất 9 đồng chữa bệnh rồi. Nào là khói bụi, ô nhiễm, rồi ốm đau. Nếu rủi mà bị tai nạn giao thông cũng chỉ có thể gọi cho gia đình mình đến cứu giúp chứ đừng mong nhận được sự hỗ trợ gì từ phía Công ty Grab” – ông Việt thở dài.

Với cách ứng xử của Grab, một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều tài xế đã đề nghị xóa hẳn ứng dụng và đình công một thời gian dài. Và nếu như vậy, Grab thực sự muốn đi một chặng đường dài sẽ còn phải có sự thay đổi.

Ngày 5/12, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab đã tăng giá 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.