Vốn đầu tư thực hiện chậm

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có 3 nguồn: Nhà nước, ngoài Nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với nguồn thông tin hàng tháng, thì 2 nguồn ngân sách và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thông tin cụ thể.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành các công trình trọng điểm của đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư vào các lĩnh vực, vùng miền mà các nguồn khác không được hoặc không muốn đầu tư, tạo nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư... Tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm của nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chủ yếu tập trung thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước sang và triển khai kế hoạch đầu tư của năm 2018.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong 4 tháng đầu năm nay thực hiện so với kế hoạch cả năm còn thấp và thấp hơn tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ năm trước (21% so với 22%). Trong đó của T.Ư là 19,9% so với 21,0%, của địa phương là 21,2% so với 22,6%. Đáng lưu ý, nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP vừa đạt thấp hơn tỷ lệ chung của năm nay, vừa thấp hơn tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ năm trước (Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng). Tình hình trên cho thấy việc triển khai và thực hiện kế hoạch về vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong 4 tháng đầu năm nay còn chậm, vẫn bị ảnh hưởng của tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm cấp tập”.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò không nhỏ, (chiếm gần 1/4 tổng số vốn, 1/5 GDP, một nửa giá trị sản xuất công nghiệp, 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu...). Do vậy tốc độ tăng, giảm của khu vực này tác động lớn đến tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế.

Lượng vốn đăng ký của các dự án cấp mới là 3,55 tỷ USD, giảm 27,2%; lượng vốn đăng ký điều chỉnh tăng vốn 2,24 tỷ USD, giảm 48,5%; cộng lượng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD, giảm 37,3%. Đây là điểm đáng lưu ý về vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, lượng vốn thực hiện ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%.

Có 37 tỉnh, TP có vốn đầu tư nước ngoài cấp mới trong 4 tháng đầu năm nay. Trong đó lớn nhất là Hà Nội 499 triệu USD (chiếm 14%), tiếp đến là TP Hồ Chí Minh đạt 408 triệu USD (chiếm 11,5%), Bình Dương 365 triệu USD (chiếm 10,3%)…

Có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư cấp mới trong 4 tháng đầu năm 2018; lớn nhất là Nhật Bản với 878 triệu USD, chiếm 24,7%; tiếp đến là Hàn Quốc 831 triệu USD, chiếm 23,4%; Singapore 459 triệu USD, chiếm 12,9%; Trung Quốc 230 triệu USD, chiếm 6,5%. Điều đó chứng tỏ thị trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Á.

Như vậy, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng về lượng vốn thực hiện, nhưng lượng vốn đăng ký giảm mạnh và không có những dự án tỷ đô như năm trước. Kỳ vọng sau khi TPP11 có hiệu lực, vốn đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng để tận dụng ưu thế thuế suất thuế xuất, nhập khẩu giảm thiểu...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần