Vốn hóa chứng khoán toàn cầu chạm mức kỷ lục 95 nghìn tỷ USD nhờ kỳ vọng vào vaccine

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị vốn hóa cổ phiếu toàn cầu đã tăng kỷ lục trong tuần này nhờ thông tin cho biết vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech đạt hiệu quả hơn 90%.

Thông tin khả quan liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 đã giúp thị trường cổ phiếu toàn cầu khởi sắc trong hầu hết các phiên giao dịch trong tuần.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cho biết tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu tính đến ngày thứ Tư đạt 95.000 tỷ USD, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử.
 Vốn hóa chứng khoán toàn cầu chạm mức kỷ lục 95 nghìn tỷ USD nhờ kỳ vọng vào vaccine.

Đợt tăng mạnh vốn hóa cổ phiếu toàn cầu trong tuần này chủ yếu nhờ báo cáo của hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech nói rằng vaccine do họ phát triển đạt hiệu quả hơn 90%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên gia y tế và thị trường.
Phát biểu trên kênh CNBC, chuyên gia Slok nhận định: “Triển vọng đi lên trong ngắn hạn đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn nhận được lực đẩy về dài hạn nhờ kỳ vọng vào vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, việc nới lỏng chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương và triển vọng có thêm các gói kích thích tài khóa mới trên thế giới”.
Chứng khoán Mỹ dẫn đầu đà leo dốc của thị trường cổ phiếu thế giới, trong đó chỉ số S&P 500 đã phục hồi về mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào giữa tháng 8. Đặc biệt, chỉ số này đã thiết lập mức kỷ lục mới lên 3.645,99 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này sau thông tin lạc quan về vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, những lực đẩy quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán thế giới trong 7 tháng qua là việc nới lỏng chính sách lãi suất chưa từng có  của các ngân hàng trung ương cũng như các gói hỗ trợ tài chính của các chính phủ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã hạ lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hồi tháng 5/2020, Cục Dự trữ Liên bàng My (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25% , đồng thời  tuyên bố thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Đây là những tuyên bố chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ của FED. Điều này đã khiến giới đầu tư rút khỏi thị trường trái phiếu do lãi suất thấp và chuyển hướng lựa chọn mua cổ phiếu.
Trong khi đó, tại Mỹ, hồi tháng 3 các nhà lập pháp đã thông qua dự luật về gói kích thích tài khóa trị giá 2 ngàn tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân bị mất việc làm và hỗ trợ DN chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Washington dự kiến ​​sẽ thông qua một gói cứu trợ bổ sung nhỏ hơn trong những tháng tới.
Sau khi Pfizer thông báo tin khả quan về vaccine Covid-19, nhiều công ty lớn tại thị trường Phố Wall đã đưa ra dự báo tích cực về thị trường cổ phiếu trong thời gian tới nhờ đà phục hồi kinh tế nhanh và suôn sẻ hơn.
Ngân hàng JPMorgan dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng khoảng 10% lên  mức 4.000 điểm vào đầu năm 2021, thậm chí có thể leo dốc tiếp 24%, chạm ngưỡng 4.500 điểm vào cuối năm tới.
Trong khi đó, Goldman Sachs cũng nhận định rằng S&P 500 có thể ghi nhận mức leo dốc 20% đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường cổ phiếu vẫn còn đối mặt khó khăn khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi về mức trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Điển hình là tại nền kinh tế lớn nhất thế giới: mặc dù đã giảm 4 tuần liên tiếp, nhưng số đơn xin thất nghiệp hàng tuần của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục 709.000 người, cao hơn con số 695.000 trước khi dịch Covid-19 khởi phát.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang diến biến phức tạp tại Mỹ. Vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận hơn 10,8 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần  250.000 người tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 144.000 và 1.266./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần